Cập nhật: 11/09/2022 10:21:00
Xem cỡ chữ

Vĩnh Phúc đang bước vào quá trình chuyển đổi số với những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Để chuyển đổi số thành công, cùng với việc áp dụng công nghệ, một trong những giải pháp quan trọng là phải xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, và các đơn vị trong toàn tỉnh.

Là một trong 4 xã trên địa bàn tỉnh được chọn làm xã điểm thực hiện chuyển đối số, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương trong thời gian gần đây đã đồng bộ thay đổi phương thức làm việc ở tất cả các bộ phận. Tại bộ phận một cửa, cán bộ được trang bị máy tính, hồ sơ thủ tục của người dân đều được xử lý, nhập liệu và lưu trữ trên hệ thống. Hiện xã đã thành lập được tổ chuyển đổi số cộng đồng ở 14 thôn trên toàn xã, đặc biệt với cán bộ văn hóa mọi thông tin trên loa truyền thanh, giờ đã được điều khiển qua phần mềm điện thoại.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các cán bộ xã còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là với cán bộ xã lớn tuổi. Thực tế cho thấy trên địa bàn tỉnh vẫn đang thiếu hụt một số lượng lớn lực lượng lao động có tay nghề cao. Kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của một bộ phận cán bộ công chức, nhất là ở cấp xã và kỹ năng sử dụng, khai thác thông tin trên môi trường mạng của người dân, doanh nghiệp ở một số nơi còn hạn chế.

Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung phát triển nguồn nhân lực số, tạo mắt xích quan trọng để xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trọng tâm là tổ chức các chuyên đề tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng CNTT và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, giới thiệu kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước và người dân, đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số./.

Vũ Hằng