Cập nhật: 20/09/2022 11:02:00
Xem cỡ chữ

Trong những năm qua, công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Giờ học ngoại khóa của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Huệ, Quận 1 tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh An Hiếu)

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa, văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách, giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân. Ngành Giáo dục Hà Nội đã xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện quy tắc ứng xử trong môi trường học đường, trong đó quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử... Ngoài những giải pháp chung, ngành tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng "Nhà trường văn hóa-Nhà giáo mẫu mực-Học sinh thanh lịch"; giảng dạy tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh,... Một trong những giải pháp mới của ngành Giáo dục Hà Nội trong năm học 2022-2023 là triển khai phong trào quận giúp huyện, trường giúp trường nhằm nâng cao điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, giảm dần sự chênh lệch giữa các địa bàn, góp phần tăng hiệu quả xây dựng văn hóa học đường.

Thành phố Hồ Chí Minh xác định xây dựng văn hóa học đường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Ngoài việc ban hành văn bản chỉ đạo, quán triệt thực hiện văn hóa học đường, Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực giáo dục, thực hiện tốt sự phối hợp giữa các cấp, ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ văn hóa học đường, khơi dậy và huy động tiềm năng sáng tạo của các tổ chức, doanh nghiệp và của toàn dân tham gia xây dựng văn hóa học đường. Hằng năm, Thành phố Hồ Chí Minh bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ văn hóa học đường; xây dựng nội dung giáo dục giá trị văn hóa truyền thống; tình yêu quê hương; giá trị di tích lịch sử văn hóa địa phương. Ðồng thời, thành phố tăng cường các giải pháp phù hợp, đồng bộ trong công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục văn hóa học đường cho học sinh; thực hiện rà soát, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục phù hợp điều kiện cụ thể và bảo đảm yêu cầu phát triển giáo dục của từng địa phương; bảo đảm các cơ sở giáo dục đạt mức tối thiểu về cơ sở vật chất theo quy định. Trong đó, chú trọng công tác quy hoạch các phòng học chức năng, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng, các công trình vệ sinh, khu vui chơi, trồng cây xanh trong sân trường bảo đảm môi trường sư phạm thân thiện, an toàn.

Nghệ An là nơi có truyền thống hiếu học, vì vậy, việc xây dựng văn hóa học đường luôn được địa phương, ngành giáo dục quan tâm thực hiện. Theo đại diện Sở Giáo dục và Ðào tạo Nghệ An, công tác xây dựng văn hóa học đường là thực hiện một quá trình quản lý giáo dục trong mỗi nhà trường nhằm mục đích xây dựng, phát triển trường học thành môi trường văn hóa, giáo dục lành mạnh, các thành viên trong trường có hành vi chuẩn mực và ngày càng ổn định theo chiều hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, văn hóa học đường vẫn có biểu hiện xuống cấp, đang là mối lo ngại, trở thành vấn đề "nóng" của xã hội. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng văn hóa học đường dẫn đến một số hành vi lệch chuẩn với các biểu hiện như: Ứng xử thiếu văn hóa; tình trạng bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở thành thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở học sinh nam mà ở cả học sinh nữ; gây hậu quả đáng tiếc và tác động xấu đến môi trường giáo dục. Cô giáo Ðoàn Thị Thủy Chung, Trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (thành phố Vinh) cho biết, trong các giải pháp thực hiện xây dựng văn hóa học đường, cần tập trung xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, các thiết chế văn hóa… để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện năng lực bản thân; đồng thời đổi mới công tác quản lý, tăng cường giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh; đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học và tổ chức các phong trào thi đua trong nhà trường…

Xác định xây dựng văn hóa học đường góp phần rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người có ý thức, trách nhiệm cao với đất nước, gia đình và bản thân, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các địa phương, cơ sở giáo dục cần rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục văn hóa học đường bảo đảm bám sát kế hoạch, nội dung của chương trình giáo dục phổ thông mới; chỉ đạo, hướng dẫn đổi mới giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, giáo dục công dân, các hoạt động sinh hoạt Ðoàn, Ðội; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục kỹ năng ứng xử; phát triển các cơ sở giáo dục phổ thông trở thành thiết chế của cộng đồng, có sự tham gia quản lý của ban giám hiệu, chính quyền, cha mẹ học sinh, cộng đồng địa phương trong xây dựng văn hóa học đường.

Theo Quý Tùng/nhandan.vn

 https://nhandan.vn/tao-chuyen-bien-trong-xay-dung-van-hoa-hoc-duong-post715966.html