Trong hội thảo quốc tế mới đây, nhiều nhà khoa học đã đề xuất phục dựng điện và không gian điện Kính Thiên trong quần thể Hoàng Thành Thăng Long. Vậy việc phục dựng di sản này cần được tiến hành ra sao để vừa đảm bảo tính khoa học, vừa phù hợp với ý chí, nguyện vọng của người dân?
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Công trình này được xây dựng ở chính giữa Hoàng thành, ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên - Thiên An thời Lý, trên đỉnh núi Long Đỗ. Điện Kính Thiên là nơi vua Lê Thái Tổ tuyên bố lên ngôi (1428), là kiến trúc trung tâm của Cấm thành Thăng Long, nơi đặt ngự tọa của Hoàng đế, biểu trưng cao nhất của quyền lực quốc gia Đại Việt thời Lê. Sau này trở thành nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài, nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự và thờ cúng.
Năm 1816, tòa điện này được Vua Gia Long cho xây dựng lại. Điện Kính Thiên trở thành hành cung cho các vị vua triều Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Năm 1886, điện bị thực dân phá huỷ để xây nhà ban chỉ huy pháo binh. Hiện chỉ còn di tích nền điện, đôi rồng chầu và bậc thềm đá phía trước điện được giữ nguyên từ thời Lê Sơ (thế kỷ 15) cho đến nay.
Trước thực trạng di tích bị vùi lấp trong lòng đất, bị phá hủy do thời gian và những biến cố lịch sử, không ít nhà nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài đã đề xuất phục dựng điện Kính Thiên để du khách dễ hình dung đầy đủ về kinh đô xưa kia và phát huy giá trị của di sản. Tại hội thảo khoa học quốc tế về 20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội được tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng kỳ vọng những kết quả của hội thảo sẽ là cơ sở khoa học để thành phố Hà Nội xây dựng phương án khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc cung điện trong thời gian tới.
GS.KTS Nguyễn Quốc Thông - Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: “Về phục dựng điện Kính Thiên và không gian điện Kính Thiên, tôi thấy đã đến lúc phải làm rồi và ta đã có những cơ sở khoa học nhất định, căn bản nhất để có thể khẳng định. Ví dụ cấu trúc của thành và đặc biệt là vị trí của trung tâm quyền lực cao nhất chúng ta đã xác định rồi. Bao nhiêu kết quả nghiên cứu trong 10 năm gần đây, kết quả khảo cổ học, cho chúng ta những thành phần quan trọng, những căn cứ quan trọng nhất rồi. Phần còn lại tôi nghĩ là tiếp tục nghiên cứu để chúng ta cụ thể hóa ý này, phục dựng được không gian văn hóa”.
Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng diện tích khai quật được so với khu vực điện Kính Thiên còn rất hạn chế, khiêm tốn, do vậy hiểu biết về điện Kính Thiên còn quá ít để có thể phục dựng. Rất nhiều nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu, khai quật, khảo cổ học và nghiên cứu lịch sử làm rõ, như ý kiến của TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng di sản Việt Nam: “Diện tích khai quật được so với khu vực điện Kính Thiên còn rất hạn chế, khiêm tốn. Việc tiếp tục nghiên cứu Kính Thiên là điều hết sức quan trọng. Chúng tôi hy vọng rằng những tài liệu nghiên cứu có thể cung cấp cho chúng ta nhiều dữ liệu, để có thể hình thành được những đề tài nghiên cứu kiến trúc, không gian của Kính Thiên như thế nào”.
Còn theo TS Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, việc cần làm hiện nay là phải đẩy mạnh công tác khảo cổ học ở khu vực điện này bao gồm sân Long Trì, Đan Trì, nhà CT4, khu vực thềm rồng và các khu liên quan... nhằm làm rõ không gian điện Kính Thiên.
“Khu vực Điện Kính Thiên chúng ta chưa biết nhiều, đây là một trong những khó khăn khi tính đến chuyện nghiên cứu phục hồi điện Kính Thiên. Căn cứ vào những dấu tích khai quật được, còn thiếu rất nhiều những cứ liệu cho chính nền Điện Kính Thiên, số gian chưa biết, kích thước của từng gian chưa biết, quy mô của nền điện Kính Thiên cũng chưa rõ... Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học theo đúng khuyến nghị của UNESCO và cam kết của Chính phủ Việt Nam về vấn đề này trên tất cả các lĩnh vực khảo cổ học, sử học, kiến trúc, mỹ thuật. Trước hết đối với khu vực chính điện Kính Thiên cần làm rõ quy mô, cấu trúc của Chính điện” - TS Nguyễn Văn Sơn nói.
Với nhiều người, di sản Hoàng Thành Thăng Long là niềm tự hào, ở đó, từng viên gạch vỡ, từng khối kiến trúc, mỗi nét họa tiết còn sót lại đều góp phần ghi dấu một chặng đường dài với những bề dày lịch sử đến 1.300 năm in dấu nơi này của các triều đại vàng son trong quá khứ. Nhiều năm nay địa chỉ 19C và 18C Hoàng Diệu luôn là điểm đến đẹp, yên tĩnh, đầy hoài niệm không thể thiếu của mỗi đoàn du khách khi đến với Thủ đô.
Vì vậy, phục dựng điện Kính Thiên như thế nào là câu hỏi lớn, thu hút sự quan tâm không chỉ của người dân trong nước mà với cả khách quốc tế. Phục dựng Điện Kính Thiên cần thận trọng, dựa trên cơ sở những nghiên cứu khảo cổ học, sử học và kiến trúc để gìn giữ được vốn quý di sản thế giới, tôn trọng lịch sử như nó vốn có, tránh đi vào "vết xe đổ" của một số di tích sau khi phục dựng gây phản cảm, mất đi những giá trị quý báu lâu đời./.
Theo Nguyên Nhung/VOV1
https://vov.vn/van-hoa/di-san/phuc-dung-dien-kinh-thien-can-nhung-buoc-di-than-trong-post973118.vov