Những lớp học biểu diễn cồng chiêng do những nghệ nhân trong làng truyền dạy là cách làm hiệu quả, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Biểu diễn cồng chiêng là một nghệ thuật đặc sắc trong văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam. Trước nguy cơ bị mai một, các địa phương miền núi cao của tỉnh Quảng Nam đã và đang nỗ lực khôi phục loại hình nghệ thuật này. Những câu lạc bộ cồng chiêng trẻ được thành lập do các già làng hướng dẫn đang góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đã thành thông lệ, mỗi khi có lễ hội, những chàng trai, cô gái Ca Dong ở xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam lại biểu diễn cồng chiêng cùng những điệu múa mang đậm bản sắc dân tộc mình. Tất cả những thành viên này có tuổi đời rất trẻ từ 7 đến 35 tuổi, đều tham gia tự nguyện. Lúc đầu, sinh hoạt theo phong trào, dần dần nhiều bạn trẻ tìm thấy niềm đam mê trong tiếng trống, tiếng chiêng của dân tộc mình.
Em Nguyễn Trường Ca, 7 tuổi, là thành viên nhỏ nhất của Đội cồng chiêng Ca Dong, xã Trà Bui nói sẽ cố gắng học thuộc các bài biểu diễn, sau này hướng dẫn cho các bạn trong thôn: “Cháu rất vui được học hỏi theo các nghệ nhân. Cháu xin hứa sẽ tập đánh chiêng cho thật hay và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình".
Tại huyện miền núi Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Ca Dong, M’Nông, Cor,…Việc thành lập đội cồng chiêng nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa cồng chiêng được nhiều địa phương ủng hộ. Từ mô hình thí điểm ban đầu, đến nay tại 4 xã của huyện Bắc Trà My đã thành lập được 6 câu lạc bộ cồng chiêng. Các nghệ nhân cồng chiêng thường xuyên mở lớp dạy cách đánh cồng chiêng.
Nghệ nhân Hồ Văn Dinh, gần 80 tuổi, là một người đánh chiêng xuất sắc ở huyện Bắc Trà My cho biết, từ khi có câu lạc bộ cồng chiêng, thanh niên trong làng có thêm điểm sinh hoạt lành mạnh sau những giờ lên rẫy. Những dịp cuối tuần, bản làng rộn ràng hơn với tiếng cồng, tiếng chiêng: “Tôi sẽ luôn đào tạo, truyền dạy cho con cháu những bản sắc tốt đẹp. Những tiếng trống, chiêng trong tiết mục mừng lúa mới, tiết mục lễ hội đình đồi, mừng lúa kho,… bao nhiêu tiết mục đó tôi vẫn còn lưu giữ để truyền dạy cho con cháu tương lai".
Hiện nay, công tác bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng của các đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm. Nhiều thôn, xã ở huyện Nam Giang, Tây Giang, Bắc Trà My đã hình thành những câu lạc bộ múa cồng chiêng thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Đây cũng là nội dung nằm trong Đề án khôi phục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Anh Hoàng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam cho biết, việc đào tạo và dạy các bạn trẻ về bản sắc văn hóa truyền thống ngay từ nhỏ là cách nhìn rất rộng mở, không chỉ giúp các em hiểu về cội nguồn gốc rễ của mình mà còn góp phần gìn giữ văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc của đồng bào: “Đoàn thanh niên có một Nghị quyết chuyên đề, thành lập được các đội hình bảo tồn, giữ gìn văn hóa của người đồng bào. Hiện nay, trong các buổi sinh hoạt kỹ năng, trong các hoạt động sinh hoạt của đoàn, các bạn này bày các tiết mục này để các thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh thiếu nhi trên địa bàn có dân tộc Cơ Tu, Ca Dong và Cor thì họ học tập và phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa bản địa về cồng chiêng.”
Cồng chiêng gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam như Cơ Tu, Cor, Ca Dong, M’Nông. Đây là nét văn hóa không thể thiếu trong các sự kiện lễ hội của đồng bào các dân tộc nơi đây. Những lớp học biểu diễn cồng chiêng do những nghệ nhân trong làng truyền dạy là cách làm hiệu quả, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam./.
Theo Phương Cúc/VOV-Miền Trung
https://vov.vn/van-hoa/giu-hon-cong-chieng-cho-lop-tre-post974277.vov