Cập nhật: 18/10/2022 10:24:00
Xem cỡ chữ

“Suốt 20 năm đi dạy học cắm bản, tôi chưa bao giờ gặp trường hợp các học sinh đáng thương như vậy!" thầy Vũ Quang Huy xúc động khi nói về những học trò của mình.

Hieu truong viet tam thu

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch. (Ảnh: NTCC)

Thương những học sinh chỉ mới 8-9 tuổi đã phải đi học xa nhà đến gần 80 cây số, không thể về nhà cuối tuần trong khi chính sách hỗ trợ tiền ăn của Chính phủ chỉ tính từ thứ Hai đến thứ Sáu, hai thầy hiệu trưởng của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Lếch và Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch (xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) đã viết thư ngỏ kêu gọi các mệnh thường quân hỗ trợ nuôi trò.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, thầy Nguyễn Văn Quynh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch cho hay những học sinh phải ở lại cuối tuần không thể về nhà là những em thuộc bản Pa Tết. Đây là một bản vùng sâu của xã Huổi Lếch, người dân sống gần như biệt lập so với bên ngoài khi nằm xa các bản liền kề, không đường, không điện, không trạm y tế, không sóng điện thoại. Lối vào duy nhất là đường mòn dân sinh và chỉ có thể đi xe máy vào mùa khô.

Hieu truong viet tam thu

Hieu truong viet tam thu

Đường đến trường của học sinh bản Pa Tết, con đường mòn dân sinh chỉ có thể đi xe máy vào mùa khô và quãng đường đến trường lên đến gần 80 cây số. (Ảnh: NTCC)

Do bản nằm vị trí giáp ranh giữa hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu nên sau khi rà soát địa giới hành chính, bắt đầu từ năm học 2022-2023 này, các học sinh của bản Pa Tết mới chuyển về học tại xã Huổi Lếch, gồm 38 học sinh tiểu học và 37 học sinh trung học cơ sở.

Để đến trường, có em phải đi đến 80 cây số trong khi đường đi rất khó khăn. Vì thế, các em tập trung ở trường để khai giảng từ ngày 3/9 và ở lại trường từ đó đến nay chưa được về nhà.

Hieu truong viet tam thu

Đường đến trường của học sinh còn phải băng qua suối. (Ảnh: NTCC)

“Nghị định 116 của Chính phủ quy định chế độ chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú từ thứ Hai đến thứ Sáu với học sinh tiểu học, từ thứ Hai đến thứ Bảy với học sinh trung học cơ sở trong khi học sinh ở lại cả cuối tuần nên trường chưa có nguồn kinh phí để nuôi học sinh,” thầy Quynh chia sẻ.

Cũng theo thầy Quynh, từ đầu năm học đến nay, để có cơm ăn cho học sinh ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, cả hai trường đều phải chia số tiền hỗ trợ bán trú thay vì ăn trong 5 ngày thành 7 ngày.

“Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì việc giảm tiền ăn cho mỗi bữa sẽ không đảm bảo dinh dưỡng cho các em, nhất là khi các em đang tuổi ăn, tuổi lớn. Vì thế, sau rất nhiều trăn trở, tôi và thầy Vũ Quang Huy đã quyết định viết thư ngỏ kêu gọi các mạnh thường quân tài trợ bữa ăn cuối tuần cho các em,” thầy Quynh cho biết.

Hieu truong viet tam thu

Học sinh ở nội trú tại trường nhưng thiếu bữa ăn cuối tuần. (Ảnh: NTCC)

Nhắc đến những học trò Pa Tết, thầy Vũ Quang Huy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Lếch không khỏi xúc động: “Suốt 20 năm đi dạy học cắm bản, tôi chưa bao giờ gặp trường hợp các học sinh đáng thương như vậy!”

Nhà ở thành phố Điện Biên, cách Huổi Lếch đến 200 cây số nên 20 năm dạy học ở Huổi Lếch cũng là chừng ấy năm thầy Huy ăn, ở tại trường cùng với các em học sinh của mình.

“Các em mới chỉ lớp 3, lớp 4, mới 8 tuổi, còn rất nhỏ nhưng đã phải sống xa gia đình. Một số em có bố mẹ đến thăm nhưng cũng nhiều em từ đầu năm học đến nay chưa một lần gặp người thân. Các em nhớ nhà, khóc rất nhiều, chúng tôi phải động viên chia sẻ. Các em ở lại trường thì thầy cô luân phiên chăm sóc, coi các em như con, có gì ăn cũng san sẻ cho các em…,” thầy Huy nói.

Hieu truong viet tam thu

Hieu truong viet tam thu

Thư ngỏ của hai thầy hiệu trưởng để mong trò có bữa cơm no. (Ảnh: NTCC)

Nhưng những chia sẻ của thầy cô cũng chỉ là giải pháp tạm thời khi đồng lương eo hẹp. Vì thế, để học sinh có bữa cơm no và yên tâm học tập, hai thầy đã mạnh dạn kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng.

Theo tính toán của thầy Huy và thầy Quynh, kinh phí cho mỗi bữa ăn sáng của học sinh là 5.000 đồng/học sinh, mỗi bữa trưa hoặc tối chỉ 8.000 đồng/học sinh. Tổng kinh phí cho cả 38 học sinh tiểu học và 37 học sinh trung học cơ sở ăn trong hai ngày cuối tuần là gần 9,5 triệu đồng/tháng.

Trước một mùa đông lạnh đến gần, thầy Quynh cũng mong các cá nhân, đơn vị từ thiện có thể hỗ trợ cho học trò mình những vật dụng thiết yếu như chăn, quần áo ấm, giày dép, tất…để học sinh đủ ấm.

“Chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm, các đơn vị tài trợ chung tay giúp học sinh để các em đủ cơm no, đủ sức khỏe và yên tâm học tập vì các em đã quá thiệt thòi. Chúng tôi cam kết sử dụng đúng mục đích nguồn kinh phí được tài trợ và chịu trách nhiệm trước pháp luật,” thầy Quynh nói./.

Theo Phạm Mai (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/hieu-truong-viet-tam-thu-xin-com-nuoi-hoc-tro-noi-tru-cuoi-tuan/824230.vnp