Cập nhật: 21/10/2022 11:24:00
Xem cỡ chữ

Để học sinh 'gà gật' đến trường vì vào học sớm giải pháp hợp lý không phải là tăng giờ học lên muộn hơn mà là cần phải thực hiện cho trẻ đi ngủ sớm hơn. Nếu áp đặt các trường vào học cùng một giờ, sẽ rất khó khăn bởi đặc trưng riêng từng địa phương.

Học sinh 'gà gật' đến trường vì vào học sớm: Đẩy giờ học muộn hơn là ‘tối kiến’ ảnh 1

Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Sáng kiến hay tối kiến?

Trẻ con đang ngủ ít đi là một thực tế ai cũng có thể cảm nhận thấy, dù ở Việt Nam chưa có các cuộc điều tra quy củ, cung cấp số liệu rộng rãi.

Ngủ ít đương nhiên không tốt cho trẻ em về nhiều phương diện. Vậy giải pháp là gì?

Trên mạng có những ý kiến đề nghị đổi thời gian vào học để trẻ em vào học muộn hơn, có thể ngủ thoải mái. Con nhà tôi phải có mặt ở trường lúc 7h45 (tiểu học). Không rõ nếu theo ý kiến trên thì nên nâng lên là 8h hay 8h30 hay 9h. Ý kiến trên thật ra không phải là "sáng kiến" mà là "tối kiến".

Trẻ con ít ngủ đơn giản không phải vì thời gian phải có mặt ở trường sớm quá (cho dù so với Nhật-nơi tôi biết thời gian có sớm hơn) mà là do trẻ đi ngủ quá muộn. Đô thị hóa, cuộc sống công nghiệp, áp lực công việc, không gian sinh hoạt trong gia đình chật hẹp, người lớn thiếu hiểu biết và vị kỷ đã làm cho trẻ em sinh hoạt theo lịch của người lớn. Cha mẹ thức đến 11h mới ngủ thì con cũng thức đến 11h. Cha mẹ qua 12 giờ mới tắt tivi, điện thoại, tắt đèn thì tầm đó con cũng mới ngủ.

Ngoài ra, việc trẻ phải làm quá nhiều bài tập, bị cha mẹ ép học thêm (thêm bài tập) cũng là một lý do làm cho trẻ không được đi ngủ sớm.

Vậy thì giải pháp hợp lý không phải là tăng giờ học lên muộn hơn mà là cần phải thực hiện cho trẻ đi ngủ sớm hơn. Ví dụ 9h tối là trẻ mầm non và tiểu học phải vào giường đi ngủ.

Điều này có gì là cao siêu nếu có chút hiểu biết về sự phát triển của các nước khác ở xung quanh đi trước Việt Nam trong công nghiệp hóa, giáo dục, khoa học?

Ở Nhật Bản khi phát hiện ra tình trạng trẻ em đi ngủ muộn, cả nước Nhật đã thực hiện phong trào vận động phụ huynh để trẻ có thể "Ngủ sớm, dậy sớm và ăn sáng".

Họ tin rằng cho dù hoàn cảnh gia đình thế nào, nếu thực hiện tốt ba điều trên thì trẻ sẽ khỏe mạnh, thông minh, hoạt bát, học tập tiến bộ. Có hẳn một tổ chức lãnh đạo, thúc đẩy việc này, có trang web riêng hoành tráng. Chuyện đề xướng tối kiến như trên nói lên một tình trạng tạm gọi là điểm mù tư duy.

Học sinh 'gà gật' đến trường vì vào học sớm: Đẩy giờ học muộn hơn là ‘tối kiến’ ảnh 2

TS Nguyễn Tùng Lâm (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội)

TS Nguyễn Tùng Lâm (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội): Đặt quyền lợi của trẻ lên trên hết

Theo khuyến cáo của nhiều tổ chức Y tế, trẻ trong độ tuổi từ 6-13 tuổi phải ngủ đủ tối thiểu 7-8 tiếng/ ngày. Thời gian ngủ khuyến cáo từ 9-11h mỗi đêm cho lứa tuổi này. Với những trẻ trong độ tuổi từ 14-17 tuổi phải ngủ đủ tối thiểu 7 tiếng/ngày và thời gian ngủ trung bình cho lứa tuổi này phải từ 9-11h mỗi đêm.

Nhu cầu được ngủ đủ giấc với học sinh là rất quan trọng. Nếu không ngủ đủ giấc, những đứa trẻ đang tuổi lớn sẽ không thể tỉnh táo, sáng suốt, tập trung cho việc học.

Tình trạng học sinh ngủ gật trong giờ học, nhất là tiết đầu, khiến giáo viên rất vất vả. Càng mắng mỏ, ép buộc, ra lệnh thì học sinh càng căng thẳng dẫn tới chán học, sợ học cũng là yếu tố tác động, làm cho học sinh càng dễ buồn ngủ trong giờ học.

Tôi ủng hộ việc điều chỉnh lại giờ học cho phù hợp với nhịp sinh học của từng nhóm tuổi. Tuy nhiên, cấp học nào lùi giờ đến thời điểm nào thì cần phải có thêm các nghiên cứu khoa học để đưa ra các số liệu chính xác và thuyết phục.

Việc điều chỉnh giờ học phải phù hợp với từng địa phương, từng vùng miền. Làm được như vậy, cần trao quyền tự chủ cho các hiệu trưởng nhà trường để có phương án phù hợp. Nhưng điều quan trọng nhất trước khi quyết định thì cần đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết.

Đẩy giờ học muộn thì chiều lại tan muộn

Một Hiệu trưởng Trường THCS ở Hoài Đức, Hà Nội cho rằng, thực tế hiện nay nhiều trường đang linh động và bố trí lệch giờ vào lớp, nhất là những trường học 2 buổi/ngày. Họ có thể cân đối giờ học sáng/chiều, để tạo ra khung giờ phù hợp.

Tuy nhiên, đối với những trường chỉ một buổi, khi thực hiện đúng chương trình khung 2018, nếu vào học muộn chỉ khoảng 30 phút đã không thể thực hiện được vì rất khó cho cả giáo viên và người quản lý.

Nếu cho học sinh vào học muộn hơn 7h15 phút thì buổi trưa các em sẽ tan rất muộn là 11h45 phút. Nếu học sinh về nhà ăn trưa, chiều đến lớp tiếp thì buổi chiều các em lại tan học quá muộn.

Phụ huynh muốn con đi học muộn hơn sau 7h15

Chị Lê Thị Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) ủng hộ quan điểm điều chỉnh giờ học cho bậc Tiểu học nhưng không nên muộn hơn 8h.

Tôi ủng hộ quan điểm nên điều chỉnh giờ vào học của học sinh bậc mầm non, tiểu học, THCS theo hướng trễ hơn, 7h30 hoặc 8h là phù hợp. Bởi học sinh ở lứa tuổi này còn nhỏ, nhất là học sinh mầm non và tiểu học, ý thức học tập cũng như sự chủ động, tự phục vụ còn thấp. Tôi đang làm việc ở Hàn Quốc thì thấy học sinh học 8h và người lớn sẽ vào làm việc muộn hơn ở Việt Nam nên tôi thấy phù hợp.

Còn riêng với bậc THPT tôi cho rằng giờ vào học như hiện nay (khoảng 7g-PV) là phù hợp vì học sinh lứa tuổi này đã lớn, ý thức học tập cao hơn, hầu hết học sinh THPT đều đã có sự chủ động, tự lập. Khó có thể áp đặt chung cho mọi lứa tuổi cấp học hay địa phương.

Theo Đỗ Hợp/tienphong.vn

https://tienphong.vn/hoc-sinh-ga-gat-den-truong-vi-vao-hoc-som-day-gio-hoc-muon-hon-la-toi-kien-post1479928.tpo