Sáng 27/10, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương cơ sở sớm hơn 6 tháng, áp dụng từ 1/1/2023 thay vì 1/7/2023, đồng thời có giải pháp kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu). Ảnh Như Ý
Kiến nghị tăng lương từ 1/1/2023
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho biết, ngay sau khi Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và công luận. Theo ông Thái, lần tăng lương cơ sở này là nỗ lực lớn lao của Chính phủ. “Việc điều chỉnh tăng mức lên cơ sở là thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách và đây là điều rất đáng trân trọng”, đại biểu cho hay.
Tuy nhiên theo ông, để niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn và để nhanh chóng bù đắp những trượt giá trầm trọng của đồng lương eo hẹp bấy lâu nay; từ những kiến nghị của cử tri, đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định sáu tháng, thay vì thực hiện từ 1/7/2023 thì thực hiện ngay từ đầu năm, tức là từ 1/1/2023.
Kiểm soát giá cả ra sao?
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Bạc Liêu cũng cảnh báo tình trạng lương chưa tăng, giá cả các mặt hàng thiết yếu đã tăng trước, dẫn đến đời sống của người dân càng khó khăn hơn. Để việc tăng lương đạt hiệu quả, ông đề nghị phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề kiểm soát giá cả thị trường, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) quan tâm đến tình hình nhiều cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc trong thời gian gần đây, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID- 19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn, nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang). Ảnh Như Ý
Đại biểu nêu rõ, áp lực công việc quá lớn nhưng sự quan tâm đối với lực lượng lao động này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức của họ bỏ ra.
Cùng với đó, đối với lực lượng công nhân lao động nhập cư làm việc trong các khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ học cho con do nhà ở xã hội chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân lao động.
Từ nguyện vọng cử tri và cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu đề nghị phải nhanh chóng có giải pháp căn cơ trong việc giải bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế và giáo dục để đủ sức phục vụ cho nhân dân; nghiên cứu về thời gian tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt; kiềm chế lạm phát, kiềm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng một đồng, giá tăng hai đồng.
Theo Luân Dũng/tienphong.vn
https://tienphong.vn/nong-de-nghi-tang-luong-som-kiem-soat-chat-gia-ca-thi-truong-post1481536.tpo