Thẳng thắn và trách nhiệm, các ý kiến thảo luận thể hiện sự tâm huyết, chuyên nghiệp của các đại biểu Quốc hội với những vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều giải pháp đã được nêu ra nhằm “hiến kế” đưa đất nước phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19.
Tuần qua, Quốc hội đã kết thúc tuần làm việc thứ hai với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là: Quốc hội đã dành trọn 2 ngày thảo luận ở Hội trường về tình hình kinh tế-xã hội và tài chính ngân sách. Các phiên thảo luận sôi nổi ở Nghị trường đã trở thành tâm điểm chú ý của cử tri cả nước.
Được phát thanh, truyền hình trực tiếp trong 2 ngày, đã có 85 đại biểu Quốc hội phát biểu, cùng với 10 Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham gia phát biểu giải trình, đưa ra các giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Điểm sáng đáng chú ý trong bức tranh kinh tế được các đại biểu Quốc hội ghi nhận là cả 14/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội dự kiến đạt là vượt mục tiêu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến năm nay sẽ đạt khoảng 8%, trong khi đó, kế hoạch đề ra là 6-6,5%. Nhiều chỉ tiêu về văn hóa, xã hội, ngân sách đều đạt. Tuy nhiên, đánh giá kỹ hơn, nhiều đại biểu băn khoăn cho rằng 8% là con số tăng trưởng rất đáng khích lệ, nhưng không nên quá phấn khởi mà dẫn đến chủ quan.
Không băn khoăn sao được khi tính bền vững và chất lượng tăng trưởng chưa thực sự vững chắc, so sánh với cùng kỳ năm ngoái thì tăng trưởng chỉ đạt 1,42%, vì vậy cần rất thận trọng. Đặc biệt, nhiều đại biểu vẫn lo lắng cho “sức khỏe của khu vực doanh nghiệp”, các vấn đề nội tại của nền kinh tế như áp lực lạm phát và nhiều yếu tố bất định khác. Trong bối cảnh đó, nhiều đại biểu nhận định tác động của yếu tố kinh tế toàn cầu, thậm chí là có những tác động khó lường khác. Chúng ta luôn luôn phải có một tâm thế dự phòng, chủ động ứng phó trong mọi hoàn cảnh. Kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã bị ảnh hưởng rất nặng nề đến năm 2021. Cho nên chúng ta có 4 năm để hoàn thành được kế hoạch kinh tế-xã hội. Điều đó đòi hỏi nỗ lực rất lớn.
Và theo nhiều đại biểu, biện pháp quan trọng chúng ta có thể thực hiện trong 3 tháng cuối năm nay và những tháng đầu năm sang năm, làm sao thúc đẩy giải ngân được các gói hỗ trợ Chính phủ, Quốc hội đã thông qua, sẽ chính là một biện pháp để tiếp sức cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.
Không khí nghị trường qua hai ngày thảo luận cũng ghi nhận nhiều đại biểu băn khoăn, đặt câu hỏi vì sao Chính phủ quyết liệt trong thời gian mà giải ngân vốn đầu tư công lại quá chậm, làm giảm hiệu quả nguồn lực. Nhiều kiến nghị phải quyết liệt tháo gỡ điểm nghẽn về phân bổ nguồn lực, cương quyết điều chuyển vốn với những nơi giải ngân chậm sang những nơi giải ngân tốt nhằm kích thích các địa phương, bộ, ngành làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công; gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện.
Nhìn nhận những vướng mắc có thể do quy trình, thủ tục khi triển khai các dự án; có phần do phân bổ vốn chậm, chuẩn bị đầu tư chưa kỹ. Tuy nhiên, yếu tố chủ quan của con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định. Khẳng định điều này, đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn Điện Biên, nêu rõ quan điểm không đồng tình với suy nghĩ của một bộ phận cán bộ “thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”.
“Từ chủ trương chính sách hết sức đúng đắn của Đảng, Quốc hội Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt nhưng cấp cơ sở lại có tâm lý e ngại, sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm… như vậy thì làm sao có thể thúc đẩy xã hội phát triển? Nếu làm đúng quy định của pháp luật, trong sáng, vì nước, vì dân thì có gì phải ngại. Vì đứng đằng sau chúng ta vẫn còn có cả một tập thể lãnh đạo, có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh.
Để giải quyết tình trạng xăng dầu, tham gia giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề nghị Bộ Công Thương có đánh giá chi tiết, cụ thể, phân tích nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ và có giải pháp phù hợp. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước gỡ khó xăng dầu. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất giao toàn diện việc quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương gồm quyết định về giá và chi phí định mức, đảm bảo nguồn cung chủ động.
“Sắp tới chúng tôi đề nghị với Chính phủ sử Nghị định 95 giao toàn diện và xăng dầu về cho Bộ Công Thương, kể cả quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo nguồn cung chủ động. Thứ hai tăng cường phối hợp chủ động nguồn cung và hệ thống đầu mối phân phối và bán lẻ và chủ động điều chỉnh chi phí định mức và giải quyết vấn đề khó khăn để đảm bảo thế nào cho nguồn cung xăng dầu tốt nhất để phục vụ cho sản xuất kinh doanh”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.
Trong tuần, thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các đại biểu đề nghị Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp này. Lý do đưa ra là luật này rất cần cho ngành y tế, cho người dân và cả xã hội. Trong khi đó, có ý kiến đề nghị tiếp tục hoàn chỉnh bởi nhiều quy định khiến các đại biểu chưa thật yên tâm. Trong đó nổi lên là, xã hội hóa y tế trở thành bài toán không có lời giải. Các hình thức xã hội hóa cũng chưa thuyết phục như hình thức “vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế”. Đặc biệt, những giải pháp đưa ra trong dự án Luật chưa giải quyết được các bất cập về cơ chế tự chủ của các bệnh viện công. Theo các đại biểu, trước tiên cần tháo gỡ được những nút thắt, bảo đảm để mọi người dân được hưởng lợi.
Tuần làm việc này, Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và nhiều nội dung quan trọng khác.
Bước sang tuần làm việc thứ 3, cùng với việc tiếp tục thảo luận cho ý kiến vào một số Dự án Luật quan trọng, đáng chú ý Quốc hội sẽ dành 3 ngày (3,4,5/11) để chất vấn Thủ tướng và 4 Bộ trưởng, với các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn là: xây dựng, nội vụ, thông tin và truyền thông, thanh tra./.
Theo Lại Hoa/VOV1
https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/thang-than-va-trach-nhiem-dbqh-hien-ke-phuc-hoi-tich-cuc-sau-dai-dich-post980658.vov