Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.
Một phiên làm việc của Quốc hội. (Nguồn: TTXVN)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 7/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về: dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về các dự thảo: Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk quy định tỉnh Đắk Lắk được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.
Phần dư nợ tăng thêm so với quy định của Luật Ngân sách nhà nước được dành toàn bộ để đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Về định mức phân bổ chi thường xuyên, tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) định mức chi thường xuyên tính theo định mức dân số đối với dân số thuộc thành phố Buôn Ma Thuột, theo các nguyên tắc, tiêu chí tính dự toán chi thường xuyên năm 2022 cho dự toán chi thường xuyên năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.
Theo dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, biển số đưa ra đấu giá là biển số ôtô chưa đăng ký.
Bộ Công an dự kiến cấp mới cho xe ôtô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen), được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản và trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 30 ngày tổ chức đấu giá.
Biển số không được lựa chọn để đấu giá, biển số qua cuộc đấu giá không thành sẽ chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để đăng ký theo quy định của Bộ Công an. Đáng chú ý, sẽ được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe theo quy định; không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác.
Dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số đưa ra đấu giá, theo đó xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả các trường hợp đấu giá, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất và phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, vùng 1 (gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) 40 triệu đồng; vùng 2 (gồm các địa phương còn lại) 20 triệu đồng.
Chiều 7/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Giá (sửa đổi); dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu.
Theo Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi), Chính phủ đề nghị bổ sung hai mặt hàng vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá gồm: sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.
Chính phủ thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng Quỹ.
Theo thông tin tại buổi đối thoại trực tiếp về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính đối với các cơ quan, tổ chức và người dân do Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) tổ chức ngày 4/11, thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài in “bị chú” bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cho công dân Việt Nam và đã được các nước chấp nhận.
Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp phát ổn định, lâu dài cho công dân Việt Nam khi nhập cảnh tại tất cả các nước, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh đã đề nghị Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị bổ sung thông tin “Nơi sinh” trên các loại giấy tờ xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Nội dung này đã được Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí đề xuất Quốc hội đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV./.
Theo PV (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/quoc-hoi-cho-y-kien-4-du-luat-nghi-quyet-trong-ngay-lam-viec-dau-tuan/827675.vnp