Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên địa bàn xã tôi diễn ra nhiều trận đánh oanh liệt của bộ đội địa phương và dân quân, du kích với quân địch.
Phát ngôn... đố kỵ
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên địa bàn xã tôi diễn ra nhiều trận đánh oanh liệt của bộ đội địa phương và dân quân, du kích với quân địch.
Quê hương ghi nhiều chiến công, nhưng đất quê hương cũng có biết bao bộ đội và dân quân, du kích ngã xuống. Thành tích, chiến công và sự hy sinh đó được Đảng, Nhà nước ghi nhận, phong tặng xã nhà danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều bà mẹ được truy tặng và phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Khắc ghi đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể theo nguyện vọng của Hội truyền thống kháng chiến chống Pháp của xã và nhân dân địa phương, mới đây, xã tôi đã dựng Văn bia-Đài chiến thắng để tri ân và giáo dục truyền thống. Đài chiến thắng tọa lạc ven hồ, hội đủ các yếu tố về lịch sử, truyền thống, văn hóa, tâm linh... Hôm khánh thành có nhiều đại biểu các cấp, đông đủ hội viên Hội truyền thống kháng chiến chống Pháp và nhân dân trong xã tới dự. Chiêm ngưỡng Văn bia-Đài chiến thắng, ai cũng viên mãn, tấm tắc khen và chụp ảnh lưu niệm.
Vậy mà ngay sau lễ khánh thành Văn bia-Đài chiến thắng, lại có ý kiến cho rằng: "Có gì đặc biệt đâu mà phải dựng Văn bia-Đài chiến thắng? Dựng ở chỗ đó làm phá vỡ cảnh quan văn hóa, môi trường"(!). Tiếc thay, đó lại là ý kiến “xì xào” của một đảng viên là cựu cán bộ xã. Không biết cựu cán bộ này vô tâm hay vô cảm nữa?! Cho dù là vô tâm hay vô cảm, cho dù là vô tình hay hữu ý thì ý kiến như vậy là phủ nhận sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha ông trong sự nghiệp kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Còn với góc nhìn cho rằng Văn bia-Đài chiến thắng phá vỡ cảnh quan văn hóa, môi trường thì thật khiên cưỡng. Bởi công trình có giá trị thẩm mỹ, kích thước hợp lý ngự bên hồ không ảnh hưởng gì đến di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh nào ở đó; cũng không hề phá vỡ cảnh quan môi trường. Ngược lại, Văn bia-Đài chiến thắng tôn thêm, làm sống động hơn lịch sử, truyền thống, văn hóa của một vùng quê.
Tìm hiểu kỹ, thì ra vị cựu cán bộ xã có ý kiến trái chiều như vậy chủ yếu là do khi đương nhiệm chưa làm được nhiều việc tốt cho tập thể, quê hương, nên bây giờ thấy thế hệ kế tiếp làm được việc gì mà nhân dân ngợi khen thì sinh ra đố kỵ, ghen ghét, dẫn đến phát ngôn tùy tiện, thiếu cả tâm và tầm. Một lời phát ngôn như vậy của đảng viên, cựu cán bộ thì các thế lực thù địch rất dễ lợi dụng để thổi phồng, chống phá. Vì thế, mỗi chúng ta cần phải cảnh giác, xem xét cụ thể, khách quan trước những phát ngôn thiếu tính chất xây dựng.
Theo QUANG TÙNG/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/phat-ngon-do-ky-710457