Nhiều trường học đã đưa quyền con người vào hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa kể từ năm 2022, tiến tới mục tiêu 100% hệ thống giáo dục quốc dân sẽ đưa nội dung quyền con người vào chương trình học.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang xây dựng 4 bộ tài liệu hướng dẫn giáo viên lồng ghép vào chương trình học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học. (Ảnh minh họa: MOET)
Đến hết năm 2025, 100% các cơ sở trong hệ thống giáo dục quốc dân sẽ đưa nội dung quyền con người vào chương trình học.
Đó là vấn đề được đưa ra trong Hội nghị Cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại, do Cục Thông tin đối ngoại và nhân quyền (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức ngày 17/11.
Theo đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang xây dựng 4 bộ tài liệu hướng dẫn giáo viên lồng ghép vào chương trình học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học.
Phó giáo sư, tiến sỹ Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết nhiều trường học đã đưa nội dung quyền con người vào hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa kể từ năm 2022.
Như vậy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các bộ ngành đang phối hợp tích cực, đảm bảo hoàn thành mục tiêu tới năm 2025 có 100% các cơ sở trong hệ thống giáo dục quốc dân sẽ đưa nội dung quyền con người vào chương trình học theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Cán bộ, chiến sĩ công an và các sở, ban, ngành tham dự hội nghị về công tác nhân quyền quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở trên địa bàn tỉnh Lai Châu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó giáo sư, tiến sỹ Tường Duy Kiên cho rằng nội dung quyền con người đã được lồng ghép trong chương trình học từ lớp 1 đến lớp 12 nhưng chưa sâu sắc, đậm nét, khiến người dân chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này.
Thực tế, nhiều vụ việc vi phạm quyền con người đã xảy ra, gây dư luận xấu trong xã hội, tạo điều kiện nảy sinh các luận điệu xuyên tạc. Ông Kiên đưa ra một số ví dụ thực tiễn như vụ việc giáo viên dùng bạo lực trong trường học hay hai cựu cán bộ công an huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình dùng nhục hình trong quá trình điều tra khiến bị can tử vong…
Viện trưởng Viện Quyền con người cho rằng pháp luật đã có quy định đầy đủ về bạo lực học đường, nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình trong điều tra xét xử… song nhận thức của người dân vẫn chưa cao.
“Chúng ta phải làm sao để quyền con người trở nên gần gũi với mọi người, mọi nhà, phải gắn liền với cuộc sống hàng ngày, để người dân hiểu được giá trị nhân văn tốt đẹp và ý nghĩa thiết thực của quyền con người trong việc xây dựng đất nước phát triển,” phó giáo sư, tiến sỹ Tường Duy Kiên nói.
Viện trưởng Viện Quyền con người cũng nêu những khó khăn trong việc triển khai nội dung đào tạo quyền con người. Ông đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành ý thức được tầm quan trọng của đề án, phối hợp cùng thường trực các ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tỉnh triển khai đào tạo, tuyên truyền, chống các luận điệu xuyên tạc, có ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước trên bình diện quốc tế.
Theo đó, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc, nhằm tạo chuyển biến sâu rộng trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng về giáo dục quyền con người ở Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng thế giới đang đối mặt với cùng lúc 3 cuộc chiến: Chiến tranh quân sự, chiến tranh kinh tế và chiến tranh thông tin trên không gian mạng.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông và giáo dục trong việc nâng cao nhận thức con người trong việc đối phó với cuộc chiến thông tin.
Trong khuôn khổ hội nghị, các báo cáo viên cũng trình bày kết quả Vòng 26 Đối thoại Nhân quyền Việt Nam-Hoa Kỳ, tình hình công tác nhân quyền, kế hoạch bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ 5 của Việt Nam thực thi Công ước Liên hợp quốc vế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.
Theo Minh Thu (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nam-2025-100-co-so-giao-duc-dua-quyen-con-nguoi-vao-chuong-trinh-hoc/829689.vnp