Cập nhật: 27/11/2022 07:58:00
Xem cỡ chữ

Theo thời gian, trong xu thế hội nhập, di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer có sự mai một, biến đổi, giao thoa; rất cần sự chung sức đồng lòng của Nhà nước và người dân để tiếp tục được giữ gìn, tỏa sáng.

Ðội múa Cha dam biểu diễn tại lễ hội Ok Om Bok năm 2022 tại tỉnh Trà Vinh. (Ảnh MINH KHỞI)

Văn hóa truyền thống đồng bào Khmer không tránh khỏi sự thay đổi theo xu hướng chung của xã hội, chịu nhiều ảnh hưởng bởi tác động của cuộc sống hiện đại và hội nhập. Trừ các dịp lễ, Tết, lâu nay phần lớn đồng bào Khmer sử dụng ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực... như người Kinh; một bộ phận, nhất là giới trẻ rất ít khi dùng trang phục truyền thống, ngôn ngữ của dân tộc mình. Các di sản vật thể và phi vật thể có sự mai một, gặp không ít khó khăn trong việc duy trì, bảo tồn và phát huy.

Thượng tọa Lý Hùng, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Viễn Quang (thành phố Cần Thơ) chỉ ra một số hạn chế như: Việc dạy và học tiếng Khmer, chương trình Pali (Thế học), chương trình Vini (Phật học) còn nhiều bất cập, văn bằng chưa có giá trị sử dụng rộng rãi. Văn học, nghệ thuật dân tộc Khmer ít được khai thác, phổ biến.

Hưởng thụ văn hóa của đồng bào ngày càng được nâng cao, nhưng các chương trình phát thanh - truyền hình, báo chí tiếng Khmer chưa đáp ứng được bởi nội dung còn nghèo nàn, thẩm mỹ dân tộc chưa cao nên một bộ phận sư sãi, cán bộ, trí thức, đồng bào tự lắp đặt chảo parabol xem đài truyền hình của Campuchia. Các chùa được công nhận di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh đã và đang xuống cấp nhưng việc tôn tạo, trùng tu còn rất ít…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Sơn Thanh Liêm chia sẻ: Sóc Trăng là tỉnh nghèo, ngân sách đầu tư của Nhà nước cho bảo tồn di sản văn hóa còn thấp, đặc biệt là văn hóa dân tộc Khmer. Ðội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hóa ở vùng có đông đồng bào Khmer còn thiếu và yếu, nhất là cán bộ trẻ, có năng lực là người dân tộc Khmer; các nghệ nhân có tay nghề cao ngày càng giảm dần. Nhiều di sản văn hóa truyền thống chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách bài bản, khoa học.

Các loại hình như kiến trúc, trang phục dân tộc, món ăn truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, lễ hội... đang đứng trước nguy cơ biến mất theo xu hướng hiện đại hóa và tác động mặt trái của cơ chế thị trường. Hệ thống thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa ở một số nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Việc đưa các hoạt động văn hóa, văn nghệ đến phục vụ đồng bào Khmer đôi lúc chưa kịp thời và đáp ứng yêu cầu hiện nay.

“Những bất cập trên xuất phát từ nguyên nhân cơ bản, đó là nhận thức của các cấp, ngành về vị trí, vai trò của bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Khmer nhiều lúc, nhiều nơi chưa thật đầy đủ, chưa thống nhất cao. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Khmer đã được thể chế hóa, nhưng từ văn bản đến hiện thực vẫn còn nhiều khoảng cách do thiếu sự tương thích giữa bảo vệ, giữ gìn với phát triển” - đồng chí Sơn Thanh Liêm nhận định.

Dự kiến, thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ thực hiện nhiều giải pháp, như: Ðẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa của đồng bào Khmer; trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với các loại hình tiêu biểu, đồng thời có kế hoạch bảo tồn những di sản văn hóa có nguy cơ mai một. Tiếp tục triển khai các dự án, đề án, chương trình được đầu tư gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; khôi phục lại một số loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một như: Nghệ thuật sân khấu Rô Băm, trang phục truyền thống, các trò chơi dân gian, các loại hình nghệ thuật...

Trung ương và địa phương cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý cho các nghệ nhân, cá nhân và gia đình có công giữ gìn di sản văn hóa dân tộc Khmer; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ, nhất là cán bộ người dân tộc Khmer; thu hút cán bộ có trình độ, năng lực về công tác tại vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống; tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, vui chơi giải trí, tụ điểm sinh hoạt văn hóa chùa Khmer; đầu tư sách, báo, phủ sóng phát thanh, truyền hình bằng tiếng, chữ Khmer; tăng cường quản lý, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội lớn, thông qua hoạt động tuyên truyền bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan...

Chiếm 31,53% dân số tỉnh Trà Vinh, đời sống kinh tế của đồng bào Khmer dựa vào sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa nước, rau màu; ngoài ra còn đánh bắt thủy sản và làm một số nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Khmer giảm rõ rệt, từ hơn 50% năm 1992 xuống còn 0,88% năm 2021.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2022-2025), tỉnh đã có kế hoạch đầu tư các dự án nhằm ổn định dân cư; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch... với tổng nguồn vốn hơn 271 tỷ đồng.

Trong số 13 làng nghề được tỉnh Trà Vinh công nhận, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp các xã Ðại An, Hàm Giang; dệt chiếu thảm xã Hàm Tân, huyện Trà Cú; đan đát, thủ công mỹ nghệ xã Lương Hòa, huyện Châu Thành đã giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho hàng nghìn hộ đồng bào Khmer. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Ðông cho biết, tỉnh đã tiến hành khảo sát thực trạng và đề ra nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững làng nghề trong thời gian tới nhằm giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông thôn, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nghệ nhân Diệp Thị Trang, chủ cơ sở thuộc làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Ðại An, huyện Trà Cú cho biết: Nghề đan đát ở Ðại An được người dân gìn giữ, phát triển gần 100 năm nay. Hiện cơ sở đan đát của bà Trang giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động nhàn rỗi với thu nhập từ 200.000-300.000 đồng/ngày; giúp cải thiện sinh kế cho hàng chục hộ đồng bào Khmer tại địa phương. Làng nghề dệt chiếu Cà Hom-Bến Bạ xã Hàm Tân 20 năm về trước là thời kỳ hoàng kim, thu hút hơn 200 hộ đồng bào Khmer làm nghề, giải quyết việc làm hơn 500 lao động.

Hiện nay, làng nghề đang mai một, chỉ còn sáu hộ có vốn đầu tư khung dệt máy, giải quyết việc làm cho 100 lao động; còn đa số hộ dệt chiếu thủ công treo khung hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Tới đây, Ủy ban nhân dân huyện Trà Cú sẽ phối hợp các ngành thực hiện chính sách hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, nghiên cứu nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm ổn định đời sống người dân và gìn giữ nghề truyền thống.

Cùng với giải quyết khó khăn trong đời sống, mưu sinh cho đồng bào, tỉnh Trà Vinh đã có nhiều nỗ lực phục dựng, bảo tồn di sản phi vật thể quý giá của dân tộc Khmer. Và một điều quan trọng để làm nên “sự nghiệp” chung là ở tài năng và tâm huyết của mỗi cá nhân đau đáu với văn hóa dân tộc. Tự hào bởi nghệ thuật Chầm Riêng Chà Pây của người Khmer Trà Vinh được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghệ nhân Thạch Mâu (huyện Trà Cú) cho biết, lời ca Chầm Riêng Chà Pây có nội dung rất phong phú, là những bài học mang tính giáo dục con người, được đông đảo người dân yêu thích.

Nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, lớp trẻ ít ai chịu học Chầm Riêng Chà Pây. Với mong muốn không để loại hình nghệ thuật này mai một theo thời gian, dù tuổi đời đã cao, nghệ nhân Thạch Mâu vẫn rất nhiệt tình truyền dạy nghề cho lớp trẻ. Ông tâm sự: “Người già chúng tôi cần phải giúp con cháu tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với Chầm Riêng Chà Pây, không thể để mất một di sản quý giá của dân tộc, của quốc gia”.

Ðược thành lập từ tháng 4/1963, Ðoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh) chọn loại hình sân khấu Dù Kê được đông đảo đồng bào Khmer yêu thích làm nền tảng cho hoạt động nghệ thuật. Gần 60 năm qua, đoàn nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến rộng rãi các loại hình nghệ thuật sân khấu Dù Kê, kịch múa và ca múa nhạc dựa trên chất liệu cổ điển, dân gian và đương đại, từng bước hòa nhập xu thế phát triển của cả nước nhưng vẫn giữ được phong cách, sắc thái nghệ thuật của đồng bào Khmer Nam Bộ. Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Thị Si Sa Vết tâm sự: “Tại các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ và nước bạn Campuchia, đơn vị đã có hàng trăm chương trình biểu diễn được đông đảo khán giả trong và ngoài nước đón nhận, khen ngợi. Tôi rất vinh dự, tự hào khi trưởng thành và trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp từ chiếc nôi nghệ thuật này”.

Ý thức, nhiệt huyết của mỗi cá nhân chính là ngọn lửa lan tỏa, thắp sáng tình yêu, sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Như lời phát biểu tâm huyết của Bí thư Trung ương Ðảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ðỗ Văn Chiến tại Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ 8 vừa qua: “Giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung, dân tộc Khmer nói riêng phải xuất phát từ yếu tố tự thân, tự mình giữ cho mình. Vì vậy tôi mong muốn đồng bào dân tộc Khmer cùng nhau thực hiện tốt phương châm: Người đi trước truyền lại cho người đi sau; ông bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu; cộng đồng học hỏi lẫn nhau, với nhiều cách làm sáng tạo, bền bỉ thì mới gìn giữ và phát huy được nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của dân tộc mình”.

Theo PHƯƠNG LIÊN, THANH PHONG, MINH KHỞI/nhandan.vn

https://nhandan.vn/ben-vung-gia-tri-van-hoa-khmer-nam-bo-post727073.html