Cập nhật: 16/12/2022 07:36:00
Xem cỡ chữ

Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga khẳng định tình trạng chất ma túy tràn vào học đường qua thuốc lá điện tử, bánh kẹo, nước giải khát…đang rất nghiêm trọng, cần phải giải quyết quyết liệt.

Quyet liet chan dung tinh trang chat ma tuy tran vao hoc duong hinh anh 1

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 18, chiều 15/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2022 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2022).

Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế-xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng, trong đó nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao...

Cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 4, nhất là việc triển khai chính sách tài khóa tiền tệ để thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19; việc thực hiện tăng lương cơ sở, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công…

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân đặc biệt lo lắng về tình trạng nhiều cây xăng dừng bán hàng, bán cầm chừng trong thời gian qua; tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học; tình trạng nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc khi Tết Nguyên đán đã gần kề; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động; tình trạng các loại tiền chất ma túy, ma túy tổng hợp pha trộn bánh kẹo, nước trái cây, thuốc lá điện tử…

Ông Dương Thanh Bình cho hay, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.484 kiến nghị của cử tri do các Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương chuyển đến.

Sau khi rà soát, phân loại, Ban Dân nguyện đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trong 2 tháng, Ban Dân nguyện đã nhận thêm 461 văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3. Như vậy, tính đến nay, đã có 2.632 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3 đã được giải quyết, trả lời.

Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục đôn đốc và cập nhật kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 10 và tháng 11 năm 2022, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 9/2022, nhất là các đoàn đông người.

Quyet liet chan dung tinh trang chat ma tuy tran vao hoc duong hinh anh 2

Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 617 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 625 vụ việc và có 17 lượt đoàn đông người.

Ban Dân nguyện kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cần chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự; kịp thời xây dựng báo cáo về công tác dân nguyện háng tháng, gửi đến Ban Dân nguyện theo đúng thời hạn, để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, lựa chọn, có kế hoạch và tổ chức giám sát chuyên đề theo lĩnh vực phụ trách trong chương trình hoạt động năm 2023. Trong đó, có lồng ghép giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; quan tâm, theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp thiết thực điều hành thị trường xăng dầu, khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng, dầu cục bộ vừa qua; có chính sách, biện pháp phù hợp để hỗ trợ, định hướng cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới; khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ những khó khăn, điều chỉnh quy định (nếu có) trong việc đấu thầu cung cấp thuốc và vật tư y tế nhằm phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Đối với phản ánh của cử tri về tình trạng các loại tiền chất ma túy, ma túy tổng hợp pha trộn bánh kẹo, nước trái cây, thuốc lá điện tử…, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan và công an các địa phương nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm để cảnh báo cho người dân để biết, phòng tránh tác hại và xử lý nghiêm theo quy định.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các Bộ: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường quản lý chặt chẽ trong việc cấp phép, quản lý các loại hóa chất phục vụ trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp... mà bên trong có chứa các tiền chất có thể điều chế, sản xuất ma túy.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, Báo cáo đã phản ánh kiến nghị của nhân dân khá đầy đủ. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, ông Vũ Hồng Thanh nhận thấy, mảng doanh nghiệp cần bổ sung thêm trong Báo cáo.

Vì tháng 10 và tháng 11, doanh nghiệp thiếu vốn, thị trường thiếu thanh khoản, đây là vấn đề doanh nghiệp đang đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm xử lý, giải quyết.

Trong tháng 10 và tháng 11, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng rất khó khăn. Thị trường chứng khoán thời điểm đó xuống dưới mức 1000 điểm, trái phiếu doanh nghiệp thắt chặt, bất động sản bán tháo.

Trước tình trạng đó, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng thêm 1,5-2%. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Tổ công tác để giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, chỉ đạo sửa đổi Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, các doanh nghiệp đề nghị tháo gỡ các thị trường bất động sản, tiền tệ, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp. Nếu kéo dài tình trạng này, một số doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, thậm chí có thể dẫn đến phá sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề cập đến kiến nghị cử tri trong đó nổi lên thực trạng công nhân phải nghỉ việc do thiếu đơn hàng tại khu vực phía Nam và đề nghị cần sớm có giải pháp tháo gỡ.

Quyet liet chan dung tinh trang chat ma tuy tran vao hoc duong hinh anh 3

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bên cạnh đó là tình trạng chất ma túy tràn vào học đường qua thuốc lá điện tử, bánh kẹo, nước giải khát… Bà Lê Thị Nga khẳng định, đây là vấn đề nghiêm trọng, nếu chỉ dừng ở việc phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Giáo dục và Đào tạo là chưa đủ, mà cần giải pháp quyết liệt hơn nữa, trong đó có thể cấm học sinh hút thuốc lá điện tử.

Nêu ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể ở các trường học, nhất là trường bán trú, có trường hợp có hàng nghìn học sinh ngộ độc tập thể do ăn ở bếp ăn như tại Khánh Hòa, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị rà soát lại và kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, các trường học, nơi tập trung đông người…

Theo chương trình, trong phiên họp chiều 15/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2022; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sỹ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội./.

Theo Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/quyet-liet-chan-dung-tinh-trang-chat-ma-tuy-tran-vao-hoc-duong/836079.vnp