Giới quan sát cho rằng Ukraine sẽ nhắm vào các khu vực do Nga kiểm soát ở phía Nam trong khi Moscow tiếp tục nhằm mục tiêu vào Donetsk cũng như chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn, bao gồm cả các mục tiêu ở thủ đô Kiev.
Giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang ở tháng thứ 10, cả Nga và Ukraine đều đối mặt với tình thế bế tắc của một cuộc chiến tiêu hao kéo dài, vốn có thể chuẩn bị cho vòng leo thang căng thẳng mới.
Quân đội Ukraine khai hỏa lựu pháo ở Bakhmut, khu vực Donetsk ngày 20/11/2022. Ảnh: AP
Một số nhà quan sát cho rằng tình thế bế tắc hiện nay có lợi cho Ukraine khi cho phép nước này nhận được nhiều vũ khí hiện đại hơn từ phương Tây và chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới. Tuy nhiên, khoảng nghỉ này cũng tạo điều kiện để Nga củng cố các tuyến phòng thủ và tập hợp lực lượng.
Các mục tiêu tấn công của Ukraine
Các nhà phân tích quân sự đánh giá, giao tranh có thể leo thang trở lại ngay sau khi mặt đất đóng băng và một số khu vực do Nga kiểm soát ở phía Nam có thể là những nơi Ukraine sẽ nhắm vào trong cuộc tấn công tiếp theo.
"Mặt đất cần đóng băng trước khi các bên có thể di chuyển các phương tiện tự do hơn", Justin Crump, cựu chỉ huy lực lượng xe tăng của Anh, hiện là người đứng đầu tổ chức tham vấn an ninh Sibylline nhận định với AP.
Ông cho rằng, trong khi việc duy trì chiến dịch quân sự trong điều kiện thời tiết lạnh giá sẽ trở nên khó khăn hơn với cả hai bên thì điều đó cũng mở ra cơ hội cho việc di chuyển lực lượng bởi "khi mùa đông tới, khả năng tấn công của hai bên sẽ gia tăng".
Chuyên gia Crump cho rằng quân đội Ukraine có thể giành lại một số khu vực ở Zaporizhzhia và tiến công theo hướng cảng chiến lược Mariupol trên Biển Azov. Chiến lược này giúp Ukraine cắt đứt hành lang trên đất liền của Nga tới Crimea. Mariupol hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga từ tháng 5/2022 sau gần 3 tháng bao vây.
Nhà phân tích quân sự độc lập Ukraine - Oleh Zhdanov cũng cho rằng khu vực Zaporizhzhia sẽ là mục tiêu tấn công tiếp theo của Ukraine.
"Các hệ thống pháo và tên lửa của Ukraine đã tập trung tấn công ở đây", nhà quan sát này đánh giá, đồng thời cho biết quân đội Ukraine nhắm vào tuyến hậu cần của Nga tại khu vực này giống như kế hoạch từng được thực hiện trong suốt chiến dịch phản công ở Kherson.
Ukraine cũng được cho là sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Tuần trước, Moscow cáo buộc Ukraine sử dụng các UAV thời Liên Xô đã được điều chỉnh để tấn công vào các căn cứ không quân chiến lược của Nga nằm cách biên giới 500km về phía Đông. Ukraine chưa công khai thừa nhận đứng sau vụ việc trên nhưng một quan chức an ninh cấp cao Ukraine đã tuyên bố Kiev coi việc tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga là một ván bài sòng phẳng.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhận định, các cuộc tấn công UAV nhằm vào các căn cứ không quân Nga chủ yếu mang tính biểu tượng bởi chúng không ảnh hưởng nhiều đến khả năng quân sự của Moscow. Eugene Chausovsky, chuyên gia quốc phòng, đồng thời là nhà phân tích cấp cao tại Viện New Lines cho biết: "Cần phải lưu ý rằng các cuộc tấn công UAV vào căn cứ không quân Engels không phá hủy được bất kỳ máy bay chiến đấu nào của Nga".
Kế hoạch tấn công của Nga
Theo ông Crump, Nga sẽ "cố gắng xây dựng lực lượng tấn công hiệu quả" và trở lại với lực lượng lớn hơn cùng những chiến dịch mạnh mẽ hơn vào năm tới.
Trong khi tăng cường lực lượng tấn công, quân đội Nga cũng tiếp tục nhắm vào tuyến phòng thủ đa tầng của Ukraine ở Donetsk trong trận địa chiến hào, gợi nhắc lại chiến tranh chiến hào trong Thế chiến I. Ông Crump nhận định, chiến lược của Nga đằng sau các cuộc tấn công liên tục vào thành trì Bakhmut của Ukraine tại Donetsk là nhằm buộc Kiev phải duy trì số lượng đáng kể binh lính ở đây và chịu tổn thất lớn.
"Đó là kế hoạch câu giờ, kéo dài giao tranh và gây thiệt hại lớn cho quân đội Ukraine. Họ muốn giảm khả năng chiến đấu của Ukraine bằng cách gây thương vong cho các binh lính và phá hủy các trang thiết bị của Ukraine nhanh hơn thời gian Ukraine có thể sản xuất chúng", chuyên gia này bình luận.
Kể từ tháng 10, Moscow đã tập trung tấn công bằng UAV cảm tử và tên lửa nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine với hy vọng sẽ phá vỡ ý chí chiến đấu của Kiev và buộc đối phương phải đàm phán theo các điều khoản của Nga. Ngày 16/12, các lực lượng của Nga đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công tên lửa mới nhằm vào các thành phố của Ukraine, gây ra tình trạng mất điện diện rộng.
"Các cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng được thực hiện nhằm gây ra sự căng thẳng trong xã hội và làm tăng sức ép đàm phán", ông Zhdanov cho hay, song cho biết chúng không tác động quá nhiều đến khả năng của quân đội Ukraine vì hầu hết các phương tiện của họ sử dụng dầu diesel.
Theo đánh giá của các quan chức cũng như các nhà phân tích nắm rõ tình hình chiến trường ở Ukraine, Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công lớn vào cuối mùa đông, trong đó có nỗ lực tiến vào thủ đô Kiev.
Chỉ huy cấp cao của lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny tuần này nhận định, cuộc tấn công vào mùa đông của Nga sẽ diễn ra ít nhất là vào tháng 3/2022 và tại khu vực phía Đông Ukraine. Đánh giá của Tướng Valery Zaluzhny cũng tương đồng với nhận định của các quan chức quân sự Mỹ và phương Tây. Họ cảnh báo trong những ngày gần đây rằng, Tổng thống Putin dường như muốn đạt được ưu thế trên chiến trường và buộc Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán giữa bối cảnh quân đội Kiev, với sự hỗ trợ của phương Tây, được chuẩn bị tốt hơn bao giờ hết để chiến đấu giành lại lãnh thổ.
Gần đây, các quan chức Mỹ nhận định, họ tin rằng Ukraine có thể duy trì và củng cố các vị trí để giành lại các vùng lãnh thổ chiến lược mà Nga đang kiểm soát. NBC News ngày 16/12 dẫn lời các quan chức giấu tên trong chính quyền Tổng thống Biden nhận định các lực lượng của Ukraine có khả năng đẩy lùi quân đội Nga khỏi Bán đảo Crimea mặc dù đó dường như không phải ưu tiên trong tương lai gần của Kiev.
Vòng xoáy căng thẳng leo thang
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các vụ ném bom của Nga đã phá hủy một nửa cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này, đồng thời hối thúc Mỹ và phương Tây nhanh chóng hỗ trợ vũ khí phòng không để Kiev đối phó với các mối đe dọa. Tuần này, các quan chức Mỹ cho biết Washington sẽ thông qua việc cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa phòng không Patriot - một vũ khí tiềm năng có thể bắn hạ tên lửa của đối phương.
Điện Kremlin nhận định, bằng việc cung cấp các vũ khí này, huấn luyện cho binh lính Ukraine và cung cấp thông tin tình báo, NATO đang trở thành một phần của xung đột. Nga cảnh báo Washington rằng, hệ thống Patriot của Mỹ và bất kỳ lực lượng nào do Mỹ triển khai để hỗ trợ quân đội Ukraine sử dụng chúng đều là các mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga.
Trong những bình luận được đưa ra vào tuần trước phản ánh mối lo ngại ngày càng gia tăng về xung đột leo thang, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo giao tranh có thể vượt ngoài tầm kiểm soát và trở thành cuộc chiến lớn giữa liên minh này và Nga.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng cảnh báo vào tháng trước rằng xung đột tiếp diễn ở Ukraine có thể kích hoạt phản ứng hạt nhân dựa trên học thuyết răn đe của Nga, theo đó vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng khi một cuộc tấn công theo quy ước đe dọa sự tồn tại của nhà nước Nga.
Ông cũng cho rằng việc phương Tây ủng hộ tham vọng giành lại lãnh thổ của Ukraine đang đẩy thế giới "vào một cuộc chiến toàn cầu".
Theo Kiều Anh/VOV.VN Tổng hợp
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-va-ukraine-se-nham-vao-muc-tieu-nao-cua-nhau-trong-cuoc-tan-cong-tiep-theo-post991109.vov