Những năm tháng lịch sử, những ký ức của cuộc chiến đấu 12 ngày đêm oanh liệt của quân và dân Hà Nội đã được kể lại qua những câu chuyện, những hiện vật và cả những nhân chứng tại triển lãm “Máu và Hoa - Hà Nội 12 ngày đêm” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 25 Tôn Đản, Hà Nội.
Tấm băng-rôn mừng chiến công treo tại Bờ Hồ năm 1972
Đây là sự kiện do Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng thực hiện, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022).
Triển lãm nhằm giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn sự khốc liệt của cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ; giá trị của niềm tin, sự đoàn kết quân, dân một lòng quyết tâm vượt lên những đau thương, mất mát, sự đổ máu, hy sinh làm nên chiến thắng để có được Thủ đô Hà Nội - thành phố vì hòa bình hôm nay.
Cách đây 50 năm, liên tục trong 12 ngày đêm, từ 18/12 đến 30/12/1972, cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ với những “Pháo đài bay B-52” hiện đại, tiên tiến bậc nhất cùng hàng trăm máy bay khác ném bom rải thảm xuống thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác ở miền bắc Việt Nam. Hà Nội biến thành chiến trường, nhà cửa, bệnh viện, trường học bị phá hủy; sự tang thương, chết chóc bao trùm trong khói lửa chiến tranh.
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Mai, cựu phóng viên chiến trường của báo Phòng không-Không quân, đứng trước bức ảnh mình chụp Bác Hồ thăm trận địa phòng không của quân và dân Hà Nội.
Nhưng với ý chí, niềm tin sắt đá, bản lĩnh, trí tuệ, chủ động, sáng tạo, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã cùng quân, dân miền Bắc làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Sự thất bại của cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 đã buộc Chính phủ Mỹ phải quay lại bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, góp phần vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trưng bày gồm 3 phần: Tầm nhìn chiến lược, Hà Nội 12 ngày đêm - Máu và Hoa, và Hoa chiến thắng. Cùng với những hiện vật chưa từng công bố về cuộc chiến đấu, về những chỉ đạo chiến lược, về sự tàn phá khốc liệt của B-52 tại Hà Nội, về cuộc sống nơi sơ tán, tình cảm của người dân nơi sơ tán, về sự quan tâm của người dân thế giới đối với cuộc chiến…, rất nhiều hiện vật, tài liệu tại triển lãm là những bằng chứng sống, hay những câu chuyện của những người từng sống qua thời kỳ đó, chứng kiến cảnh tang thương của chiến tranh, chứng kiến sự quật cường, anh dũng của người dân Hà Nội để giành lại hòa bình…
Mâm và nồi của một gia đình ở Hà Tây bị bom Mỹ
Trong số các hiện vật được trưng bày tại triển lãm, có những đồ vật hết sức quen thuộc với cuộc sống hằng ngày của nhiều gia đình, cũ kỹ, méo mó, bị xé rách tả tơi dù được làm bằng kim loại. Đó là chiếc mâm nhôm, chiếc nồi của một gia đình ở Hà Tây bị bom B53 của Mỹ phá hủy đêm 13/12/1972. Đó là mảnh chuông vỡ, pho tượng gãy rời đầu của chùa Thượng Cát (Gia Lâm, Hà Nội) bị bom phá đêm 18/12/1972. Đó là những ống nhổ, bơm thụt, ống nghe của các y bác sĩ khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai gãy méo tan nát sau trận bom tháng 12/1972. Đó là chiếc mũ vẫn còn vết đạn của công nhân Vũ Xuân Hòa, hy sinh khi bám trụ làm nhiệm vụ bảo vệ dòng điện tại Nhà máy Điện Yên Phụ sau trận đánh phá của máy bay Mỹ vào nhà máy ngày 21/12/1972.
Tấm thiệp cưới cũng là tờ giấy nhắn báo tử
Có những câu chuyện đầy nước mắt, chưa bao giờ được kể tại triển lãm, như đám cưới của chị Ngô Thị Ngọc Tường và anh Đỗ Doãn Hải ở phố Ngõ Trạm (Hà Nội), dự kiến cử hành ngày 24/12/1972, nhưng cô dâu bị bom vào sáng 19 và qua đời ngày 20/12. Những dòng nhắn đầy nước mắt ghi trên tấm thiệp mời làm bất kỳ ai đọc được cũng phải rơi lệ: “Tuyết Nga ơi! Ngọc Tường bị bom sáng 19 ở Lương Yên và mất hồi 20 giờ ngày 20 ở bệnh viện Việt Đức. 11 giờ 30 chiều nay (21/12/1972) sẽ đưa đám. Nga báo cho các bạn biết. Thật là đau đớn và căm giận giặc Mỹ”. Dòng nhắn viết đè lên hai chữ lồng họ của cô dâu và chú rể, và trên cả dòng chữ in ngày cưới vẫn còn chưa kịp đến: 24/12.
Một câu chuyện khác: cuốn sổ chép thơ với những nét chữ tròn trịa vụng dại tuổi học trò. Đó là cuốn sổ tập làm thơ của em Đặng Thị Hà, học sinh trường Nguyễn Gia Thiều (Gia Lâm, Hà Nội), với những câu thơ đầy lạc quan: “Ta mến yêu cuộc sống/ Với tiếng hát yêu đời/ Đầy lạc quan tin tưởng/ Vào cuộc sống tương lai…”.
Đêm 19/12/1972, Đặng Thị Hà bị giết hại trong trận bom B52 của Mỹ. Và người xem triển lãm, nhất là thế hệ sinh ra sau chiến tranh, phần nào có thể hình dung ra cuộc sống của những năm tháng khốc liệt ấy qua những chiếc hầm cá nhân, mũ rơm, kẻng sắt… những thứ không thể thiếu và đã trở thành một phần trong sinh hoạt hằng ngày của người Hà Nội năm 1972.
Đó còn là những câu chuyện của những người Hà Nội rời khỏi thành phố đi sơ tán, để lại toàn bộ nhà cửa, tài sản, mang theo mơ ước về hòa bình, về sự bình yên sẽ sớm trở lại. Hơn nửa triệu dân nội đô (khoảng gần một nửa dân số Hà Nội lúc đó) đã sơ tán về các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận để tránh thương vong. Đó là câu chuyện của sự chia ngọt sẻ bùi, của những tâm sự ngổn ngang khi rời khỏi ngôi nhà thân yêu, đó là sự can đảm, đoàn kết, là niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng và ngày trở về.
Tượng và chuông chùa Thượng Cát (Gia Lâm, Hà Nội).
Đó cũng là câu chuyện của những y, bác sĩ bệnh viện Bạch Mai vừa lo chạy sơ tán người bệnh, vừa lo chữa bệnh, cứu những đồng nghiệp và bệnh nhân bị bom… trong điều kiện vô cùng khó khăn và ngặt nghèo do vừa bị đánh bom.
Câu chuyện của người lái xích lô Nguyễn Gia Côn, không chỉ tải thương, cấp cứu người bị nạn, chở người đi sơ tán, mà còn chở áo quan đến nơi khâm liệm, chở cáng cứu thương y tế đến nơi cứu người, chở đồ đạc, tài liệu của các cơ quan sơ tán khỏi Hà Nội, chở tiền của ngân hàng đến nơi phát lương cho công nhân, chở gạo đến nơi sơ tán…
Những hiện vật có mặt tại Bảo tàng trong triển lãm này do những cán bộ của Bảo tàng đã không quản ngại bom đạn, ra tận những địa điểm bị đánh bom nặng nề, tang thương nhất để thu nhặt hiện vật.
Ông Đặng Hòa, sinh năm 1944, cán bộ Phòng Tuyên truyền Giáo dục, Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (cũ) chia sẻ tại triển lãm: “Tháng 12/1072, trong thời gian máy bay B52 rải thảm Hà Nội, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam sơ tán lên Lập Thạch (Vĩnh Phúc), cánh trẻ chúng tôi trong đội tự vệ ở lại Hà Nội làm việc, trực chiến và bảo vệ cơ quan… Đêm 26/12, phố Khâm Thiên bị bom B52 rải thảm. Vài ngày sau, tôi cùng bác Phạm Văn Hảo, Giám đốc Bảo tàng đến Khâm Thiên sưu tầm hiện vật”.
Những câu chuyện trong năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy được ghi lại từ ký ức của những người sinh sống và làm việc tại Hà Nội, như nhà sử học Dương Trung Quốc, bà Trịnh Thanh Năng, diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam, bà Nguyễn Mỹ Hạnh, thành viên Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, ông Trần Hùng, bà nguyễn Thị Cẩm Phương…
Triển lãm còn là những câu chuyện của những trận địa phòng không, của quân đội cùng với tự vệ quân, du kích… cùng nhau chiến đấu bảo vệ Thủ đô, của những phiên đàm phán nảy lửa của Phái đoàn ngoại giao Việt Nam… để đi tới thắng lợi “Hoa chiến thắng”.
Trưng bày mở cửa đến tháng 4/2023 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 25 Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo TUYẾT LOAN/nhandan.vn
https://nhandan.vn/ky-uc-nhung-nam-thang-lich-su-tu-mau-va-hoa-post730489.html