Cập nhật: 30/12/2022 08:20:00
Xem cỡ chữ

Ho là phản xạ bảo vệ cơ thể, tuy nhiên trong trường hợp ho ở trẻ diễn ra nhiều, liên tục nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy - Chủ nhiệm bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội, ho là dấu hiệu cho thấy cơ thể trẻ đang cố gắng loại bỏ các tác nhân không có lợi ra ngoài. Ho có hai loại: ho ướt và khô (ho khan).

Ho khan thường là kết quả của sự kích thích ở đường hô hấp trên - xoang, cổ họng và dây thanh âm.

Kích ứng ở đường hô hấp bên dưới khí quản cũng có thể gây ho khan, còn ở đường hô hấp dưới tiết ra chất nhầy để đáp ứng với kích ứng - dẫn đến một dạng khác: ho ướt.

Nguyên nhân ho ở trẻ

Bệnh lý về hô hấp gây ho ở trẻ

Cảm lạnh, cúm, viêm phế quản, viêm phổi… hay các bệnh lý về đường hô hấp đều có thể dẫn đến ho kéo dài cho trẻ. Trong đó, khi trẻ mắc cảm lạnh có xu hướng gây ho khan nhẹ đến trung bình. Với bệnh viêm phế quản trẻ ho chủ yếu vào ban đêm kèm theo hơi thở ồn. Khi trẻ nhiễm các bệnh lý về hô hấp do virus gây ra, không được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng có thể được kiểm soát bằng các loại thuốc khác.

- Trào ngược dạ dày

Các triệu chứng trào ngược dạ dày ở trẻ bao gồm nôn, ho, khò khè hoặc khạc nhổ thường xuyên, miệng có cảm giác nóng rát và có vị khó chịu.

- Hen suyễn

Hen suyễn có thể khó chẩn đoán vì các triệu chứng khác nhau ở mỗi trẻ. Nhưng ho khò khè, có thể nặng hơn vào ban đêm, là một trong nhiều dấu hiệu nhận biết hen suyễn. Ngoài ra ho có thể xuất hiện khi tăng hoạt động thể chất hoặc trong khi chơi.

Ho ở trẻ: Nguyên nhân và cách khắc phục  - Ảnh 1.

Tất cả các bệnh lý hô hấp đều có triệu chứng ho.

- Dị ứng hoặc viêm xoang

Dị ứng hoặc viêm xoang có thể gây ho kéo dài cũng như ngứa cổ họng, chảy nước mũi, chảy nước mắt, đau họng hoặc phát ban.

- Bệnh ho gà

Ho gàđược nhận biết bằng những cơn ho liên hồi , sau đó là thở rít.

- Các lý do khác

Ho ở trẻ có thể xảy ra theo thói quen, sau khi hít phải dị vật như thức ăn, đồ chơi nhỏ. Trẻ có thể ho khi ở gần các chất kích thích như ô nhiễm từ thuốc lá hoặc khói bụi xe cộ.

Trẻ ho nhiều có đáng lo ngại không?

Ho là cơ chế sẵn có của cơ thể để bảo vệ đường thở và chống nhiễm trùng — một dấu hiệu cho thấy trẻ đang có vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên ho ở trẻ có thể gây khó chịu và đôi khi chúng có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề đáng lo ngại hơn. Vậy ho ở trẻ có đáng lo ngại không?

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, ho là triệu chứng, không phải là bệnh lý, tất cả các bệnh lý hô hấp đều có triệu chứng ho. Ho là một phản xạ bảo vệ cơ thể để đẩy các tác nhân không mong muốn mà con người không nhìn thấy. Khi cơ thể hít hoặc ngửi phải những tác nhân như virus, khí độc, bào tử nấm… cơ thể sẽ có phản xạ ho để tống các đờm dãi ra khỏi cơ thể.

Ho ở trẻ: Nguyên nhân và cách khắc phục  - Ảnh 2.

Việc cha mẹ tự ý mua thuốc trị ho cho trẻ dưới 6 tuổi là rất nguy hiểm.

Ho là phản xạ có lợi, khi trẻ viêm phổi ho giúp đẩy các tác nhân không mong muốn qua đờm dãi… Tuy nhiên nếu ho càng nhiều sẽ khiến trẻ sợ, nôn trớ, mệt. Trong những trường hợp ho ở trẻ quá nhiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt, bác sĩ sẽ có biện pháp để giảm ho.

Thông thường trong một đợt cảm, thường ho ở trẻ sẽ kéo dài khoảng 10 ngày đến 2 tuần.

  • Ở giai đoạn đầu, trẻ sẽ ho khan, ho ít.

  • Sau 4-5 ngày ho sẽ tăng rất nhiều do hệ thống niêm mạc trong đường thở, trong cổ họng, phế quản… sẽ có đờm để tiêu diệt virus.

  • Đến ngày thứ 5-6 trẻ sẽ ho rất nhiều nhưng đây là lúc trẻ sắp hết ho.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu trẻ từ 4-6 tuổi muốn uống thuốc trị ho cần phải có ý kiến của bác sĩ. Việc bố mẹ tự ý mua thuốc trị ho cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ rất nguy hiểm.

Trong các trường hợp ho ở trẻ đi kèm các biểu hiện như:

  • Khó thở, thở rất nhanh khi không ho

  • Có những cơ ho dữ dội, liên tục

  • Không thể khóc hoặc nói vì khó thở

  • Thở hổn hển hoặc nghẹt thở

  • Môi hoặc móng tay tím

  • Thở rất nhanh

Hãy đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, để đề phòng các triệu chứng khi trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp diễn biến (bao gồm cả triệu chứng ho ở trẻ), PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cũng khuyên cha mẹ cần lưu ý rửa mũi bằng nước muối sinh lý 2-3 lần và rửa trước ăn.

Theo KD/suckhoedoisong.vn

 https://suckhoedoisong.vn/ho-o-tre-nguyen-nhan-va-nhung-dieu-cha-me-can-luu-y-16922122521183592.htm