Cập nhật: 25/01/2023 16:12:00
Xem cỡ chữ

Mỗi năm, cứ vào tháng 2 âm lịch, dưới những tán lá đương đâm trồi non, hoa ban trắng bắt đầu bung nở hương sắc đón Xuân về. Đó cũng là lúc người Thái ở vùng Tây Bắc tổ chức Lễ hội Hoa ban hay còn gọi là lễ hội Xên Mường. Theo quan niệm của họ đây là dịp để tri ân tổ tiên, tưởng nhớ công lao to lớn của các vị nhân thần tiền bối, đồng thời cầu cho một năm mựa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

 Lễ hội Hoa ban là ngày vui của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc, là dịp gia đình, anh em, làng xóm cùng nhau tụ họp vui chơi, các đôi trai gái hẹn hò, nên duyên.

Lễ hội Hoa ban chẳng biết có từ bao giờ, người Thái truyền nhau suốt bao thế hệ một sự tích về nàng Khôm (tiếng Thái là nghèo, cay đắng) và chàng Tào Lu (nghĩa là giàu có) yêu nhau nhưng không được gia đình chấp thuận. Mùa xuân, hai người rủ nhau lên chơi hang Thẩm Đông Ngoạng (hang rừng ve, tức hang Thẩm Lé bây giờ). Ít lâu sau, chàng bị cảm rồi chết, biến thành con Tô Mánh Lú (màu đen, to hơn con ve).

Nàng Khôm không muốn bị ép duyên với chàng trai khác, đã bỏ trốn vào rừng. Nàng bỏ trốn, kiệt sức rồi chết ở trong rừng, nơi nàng nằm xuống mọc lên một loại cây có hoa trắng, có hương thơm, mật ngọt. Người dân gọi đó là hoa ban - loài hoa ban ấy nở đúng vào mùa xuân, thời gian mà chàng Lu và nàng Khôm cùng nhau đi chơi hang. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, hoa ban lại nở trắng núi rừng Tây Bắc, người Thái lại nô nức chuẩn bị một mùa lễ hội.

Lễ hội Hoa ban là ngày vui của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc, là dịp gia đình, anh em, bà con họ hàng, làng xóm cùng nhau tụ họp vui chơi, các đôi trai gái hẹn hò, nên duyên từ đây. Vì vậy, họ háo hức lắm. Từ trước tết, họ đã họp bàn với trưởng thôn để lên kế hoạch cho lễ hội. Đến ngày 5/2 âm lịch hàng năm, Lễ hội Hoa ban được tổ chức.

 Hoa ban - loài hoa biểu trưng của các khu vực Tây Bắc.

Lễ hội thường được tổ chức ở hang Thẳm Lé gắn với làn điệu khắp chơi hang. Lễ hội gồm 2 phần lễ và hội, phần lễ để cúng thần linh, phần hội để tạo nên những tiếng cười thoải mái nhằm giáo dục con người vươn tới cái tốt đẹp. Từ sớm, người Thái đã có một đội chuẩn bị các vật phẩm để cúng lễ. Đó là những món ăn đặc trưng của dân tộc họ, dễ dàng tìm thấy các nguyên liệu từ trong núi rừng Tây Bắc hùng vĩ. Họ mang lễ vật lên hang Thẩm Lé cúng, gồm một con lợn, mấy cành ban, hoa ban đang độ trổ bông đẹp nhất, chai rượu, hai bát gạo, hai bát cơm, vài nén hương cùng với trầu cau. Thầy mo làm lễ cúng thần hang, thần rừng, cầu cho dân chúng có cuộc sống ấm no, sung túc. Toàn bộ phần nghi lễ được thực hiện ở ngoài cửa hang, sau khi thầy mo vái “Then” xin mở cửa hang, thì phần hội lúc đó mới được diễn ra cả bên trong và bên ngoài cửa hang.

Bà con dân tộc người Thái ở Tây Bắc nô nức tham dự buổi cúng của thầy mo, đến khi chứng kiến buổi lễ diễn ra suôn sẻ, họ bắt đầu tụ tập lại để chuẩn bị tham gia phần hội. Giữa rừng hoa ban đang độ trổ bông rực rỡ, trắng muốt tràn ngập trời đất Tây Bắc, thanh niên trai gái bắt đầu vui hội hái hoa, sôi nổi với những trò diễn độc đáo. Âm vang nhộn nhịp của tiếng pí, tiếng khèn, tiếng trống chiêng. Không khí lễ hội diễn ra vô cùng náo nhiệt, sôi động.

Con trai thổi khèn, con gái dập dìu múa điệu Thẩm Lé - điệu múa dành riêng cho việc đi hái hoa ban. Các chàng trai thi nhau trèo lên các cây ban hái hoa. Một cây có khi 5, 6 người trèo lên. Ở bên dưới, các cô gái lấy cái ớp (gần giống cái giỏ) đón những bông hoa thả xuống. Anh chàng nào có ý với cô gái nào thì thả vào chỗ cô đó. Các cô cũng vậy, ưng anh nào thì cố mà đón lấy hoa của anh đó.

Hoa ban đã trở thành tín vật định tình để các chàng trai, cô gái nên duyên, kết đôi, kết cặp với nhau. Còn người khác trong bản làng tham dự sẽ tiếp tục phần hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: ném còn, kéo co, đi cà kheo, leo cây, chọi cù, hát đối đáp… Những trò chơi độc đáo đầy ắp tiếng cười hòa lẫn trong âm vang nhộn nhịp của tiếng khắp, tiếng pí, tiếng khèn, tiếng trống chiêng. 

Cả khoảng đất rộng lớn vang vọng tiếng nói, cười, chúc phúc của những người Thái tại Tây Bắc. Đối với họ Lễ hội Hoa ban hay Xên Mường là dịp để cả làng có thể cùng nhau kết thúc một năm cũ qua đi, cầu chúc một năm mới hạnh phúc, bình an đến cho buôn làng, gia đình và từng cá nhân. Đây cũng là khoảng thời gian họ tưởng nhớ về tổ tiên, về công lao to lớn của các vị nhân thần tiền bối.

Kết thúc lễ hội, những tiếng hát vang vọng xuyên suốt núi rừng Tây Bắc, đó là bài ca của người Thái về tình yêu, về quê hương đất nước. Họ say sưa trong niềm vui đất trời, các cô gái đỏ mặt ôm hoa về, các chàng trai mỉm cười đi bên cạnh. Đám trẻ con ríu rít bên cha mẹ về những trò vừa được chơi. Bà con trong làng ai cũng hoan hỉ nở nụ cười hạnh phúc đón năm mới. Cứ như vậy, thiên nhiên và con người hòa hợp, đẹp đẽ đến kỳ lạ dưới sắc xuân đang tràn ngập trong ánh nắng chiều của những dãy núi xanh thẳm./.

Theo Bài, ảnh: KC/dangcongsan.vn

https://dangcongsan.vn/xuan-uoc-vong-2023/tet-viet/tho-mong-le-hoi-hoa-ban-cua-nguoi-thai-o-tay-bac-630132.html