Theo luật sư, không có hậu quả chết người xảy ra với CSGT nhưng tài xế này vẫn có thể bị truy cứu về tội giết người. Bởi, hậu quả không những xảy ra với cán bộ giao thông, mà còn đâm cả vào người đi đường, gây ảnh hưởng nhiều người.
Liên quan đến vụ tài xế không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, bỏ chạy hơn 2km với hiện trạng một cán bộ chiến sỹ CSGT vẫn nằm trên nắp capo gây tai nạn cho người đi đường, VKSND huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can với ông Cao Văn Lý (65 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Tường) về tội "Chống người thi hành công vụ" theo Điều 330 Bộ luật Hình sự.
Theo cơ quan công an, sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng đã kiểm tra nồng độ cồn với tài xế Cao Văn Lý. Người này, vi phạm ở mức 0,312 mg/L khí thở, đây là mức vi phạm cao (mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP là 0,4 mg/L khí thở).
Kiểm sát viên VKSND huyện Vĩnh Tường lấy lời khai với ông Cao Văn Lý (Ảnh: VKSND huyện Vĩnh Tường)
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, văn phòng Luật Kết nối cho rằng, vụ việc này có thể thấy hành vi của tài xế điều khiển ô tô là đặc biệt nguy hiểm, trực tiếp xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của những người thực hiện công vụ.
Theo luật sư Hùng, tài xế hoàn toàn nhận thức, buộc phải biết hành vi vi phạm của mình là nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người khác. Xe ô tô trong trường hợp này được hiểu là công cụ, hung khí gây án.
“Quá trình diễn biến, hành vi của tài xế cho thấy sự chủ động, lựa chọn hành vi, hung khí là xe ô tô, chủ động đâm, lao vào các đồng chí cảnh sát giao thông. Thể hiện ở việc tài xế biết rằng bàn tay người cảnh sát giao thông không thể đu bám được mãi, chưa kể va quệt với chướng ngại vật trên đường,... và rất nhiều nguyên nhân khác có thể làm người cảnh sát giao thông này thiệt mạng”- luật sư Hùng nói.
Theo vị luật sư này, rõ ràng hành vi của tài xế là chủ động xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của đồng chí cảnh sát giao thông chứ không đơn thuần chỉ là hành vi vô ý vi phạm giao thông. Điều này để phân biệt với lỗi của các vụ vi phạm các quy định giao thông gây ra tai nạn là lỗi vô ý, vi phạm các nguyên tắc, quy tắc về an toàn giao thông. Từ phân tích trên, hành vi của tài xế đủ yếu tố cấu thành tội gGiết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017”- luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nói.
Hậu quả không những xảy ra với cán bộ giao thông mà còn đâm cả vào người đi đường, gây ảnh hưởng nhiều người, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bên cạnh tình tiết phạm tội định khung là phạm tội có tính chất côn đồ, tài xế còn phải chịu thêm tình tiết định khung thứ hai là Giết người đang thi hành công vụ. Việc đánh giá hành vi của vụ án này phụ thuộc vào hậu quả, tính chất, mức độ hành vi để cân nhắc. Theo khung hình phạt của Tội giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, mức hình phạt cao nhất có thể lên đến tử hình.
Pháp luật quy định người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật do sử dụng rượu, bia, chất kích thích hoặc các chất cấm khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu như hành vi đến mức nguy hiểm cho xã hội, việc sử dụng chất kích thích không phải là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự, lái xe còn có thể sẽ bị xử phạt hành chính với nhiều lỗi khác nhau, trong đó có lỗi vi phạm về nồng độ cồn, đi vào đường ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh, chống người thi hành công vụ.
“Chúng ta biết rằng, những hành vi chống người thi hành công vụ, lái xe mà trong người có nồng độ cồn là rất đáng bị lên án, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Rất mong một bản án thích đáng, xử lý nghiêm, có tính chất răn đe để giáo dục, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Cũng là bài học sâu sắc cho nhiều tài xế khi tham gia giao thông, phải tuân thủ quy định, không nên sử dụng rượu bia, chấp hành nghiêm chỉnh điều lệnh của người thực hiện công vụ”-luật sư Hùng nói.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Chủ tịch HĐTV – Công ty Luật TNHH A&H
Đồng quan điểm, luật sư Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật TNHH A&H, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của ông Cao Văn Lý đã có dấu hiệu của “Tội chống người thi hành công vụ” (Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật”, thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến cao nhất là 07 năm.
Với hậu quả làm cho chiến sĩ Cảnh sát giao thông bị thương, thì hành vi này của ông Lý còn có dấu hiệu của “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, với tình tiết định khung tăng nặng là phạm tội “đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân” (điểm k, Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Bên cạnh đó, trong khi bỏ chạy thì chiếc xe do ông Lý điều khiển đã đâm vào một người đi xe máy, khiến người này bị thương phải đi cấp cứu. Tùy thuộc vào mức độ thiệt hại về tài sản và sức khỏe của nạn nhân, thì ông Lý còn có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” (Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Về phía lực lượng Cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ cũng cần chủ động có những biện pháp phòng ngừa phù hợp, tránh việc bị hất lên nắp capo hoặc phải đu bám trên đầu phương tiện vi phạm như vậy. Bởi vì, đây là tình trạng hết sức nguy hiểm, hoàn toàn có thể khiến cho các chiến sĩ Cảnh sát giao thông bị thương, thậm chí là đe dọa đến tính mạng./.
Theo Nguyễn Hiền/VOV.VN
https://vov.vn/phap-luat/tai-xe-65-tuoi-tron-do-nong-do-con-co-the-truy-cuu-them-toi-giet-nguoi-post1000576.vov