Quản lý điểm đến bền vững thông qua phát triển du lịch có những lợi ích kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường, cũng như những lợi ích trong việc gắn kết và quản trị của một khu vực. Nội dung này đã được làm rõ và khẳng định tại Hội thảo về Quản trị điểm đến bền vững thông qua du lịch do Tổng cục Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận và Văn phòng hỗ trợ khu vực châu Á và Thái Bình Dương của UNWTO (UNWTO RSOAP) tổ chức mới đây.
Shirakawa-go là một trong những điểm đến không thể bỏ qua ở Gifu
Nhiều điểm đến gặp khó khăn trong quản lý và phát triển du lịch
Gần đây, cụm từ “du lịch bền vững” đã trở nên thông dụng và là một chủ đề thịnh hành, một xu hướng mới trong bức tranh du lịch toàn cầu. Với tiềm năng giảm thiểu chi phí, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tối đa hóa lợi ích của du lịch nhưng không gây ra tác động xấu với môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương, giúp giảm dần sự phụ thuộc của ngành Du lịch vào các nguồn lực sẵn có, du lịch bền vững đang trở thành viễn cảnh mới cho các ngành Du lịch tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, không phải tất cả các bên liên quan trong ngành Du lịch đều thực hiện đúng cách tiếp cận cần thiết và đi theo con đường đúng đắn để đạt được “du lịch bền vững”. Thay vào đó, nhiều điểm đến dường như gặp khó khăn trong việc quản lý và phát triển du lịch.
Do đó, để tìm sự cân bằng giữa kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương và môi trường, UNWTO RSOAP đã cùng Viện Nghiên cứu Du lịch và Giao thông Nhật Bản xây dựng sổ tay “Hướng dẫn thực hành về quản lý bền vững thông qua phát triển du lịch” vào năm 2022 và bắt đầu áp dụng các phương pháp trong sổ tay cho một số địa phương, các thành phố ở Nhật Bản.
Trong năm nay, UNWTO RSOAP sẽ tiếp tục xây dựng và chỉnh sửa Sổ tay để phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Chia sẻ tại Hội thảo, ông Katsuhisa Ishizaki, Phó Giám đốc Bộ phận Quốc tế UNWTO RSOAP hy vọng, với việc chia sẻ các kinh nghiệm về du lịch bền vững tại Việt Nam và Nhật Bản, phân tích các khó khăn và thách thức mà du lịch bền vững đang phải đối mặt. Thông qua các thuyết trình và hoạt động nhóm, các đại biểu đã cùng làm rõ, có thêm những kiến thức về quản lý hiệu quả và sử dụng phương pháp này để phát triển Mũi Né, Bình Thuận như một điểm đến du lịch bền vững.
Đánh giá cao những tiềm năng tự nhiên của Bình Thuận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh, Bình Thuận có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch nhất là du lịch sinh thái biển. Những năm gần đây, tỉnh Bình Thuận đã triển khai những giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả những tiềm năng vàlợi thế, ngành Du lịch Bình Thuận đãcó bước phát triển nhanh chóng và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm ổn định cho hơn 25.000 lao động địa phương. Hiện Bình Thuận vẫn là một trong những địa phương có sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư về du lịch với trên 300 dự án du lịch còn hiệu lực, trong đó có khoảng 150 dự án đang hoạt động. Các dự án đầu tư không chỉ tập trung ở thành phố Phan Thiết, mà đã mở rộng đến vùng ven biển Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, La Gi.
Đặc biệt, năm 2023, Bình Thuận đăng cai tổ chức năm Du lịch quốc gia chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” với trên 200 hoạt động, sự kiện quy mô quốc gia và quốc tế. Có thể khẳng định đây là một điểm đến cam kết hướng tới tăng trưởng xanh, xây dựng sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, góp phần phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và bảo tồn tài nguyên, phát triển du lịch gắn với các ngành kinh tế khác và tạo việc làm cho cộng đồng địa phương.
Tiếp cận thực tế đến quản lý khu vực bền vững
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày về tiềm năng và phát triển du lịch Bình Thuận; quản trị điểm đến bền vững thông qua du lịch; thực hành tốt về “Quản trị điểm đến bền vững thông qua du lịch” ở Việt Nam.
Trong đó khẳng định, quản lý bền vững thông qua phát triển du lịch là hướng tới giải quyết các vấn đề của khu vực. Quản lý khu vực bền vững là một việc thiết yếu để trở thành những nơi mọi người có thể tiếp tục sinh sống trong 50 năm, 100 năm và lâu hơn nữa.
Sổ tay “Hướng dẫn thực hành về quản lý bền vững thông qua phát triển du lịch” chỉ ra các bước cần thiết để hiện thực hóa quản lý khu vực bền vững, kèm theo những câu chuyện của các trường hợp điển hình tiên phong. Tài liệu này đồng thời giới thiệu một phương thức tiếp cận thực tế đến quản lý khu vực bền vững, tận dụng tiềm năng du lịch dựa trên các điều kiện thực tế và khách quan, hướng tới duy trì và thúc đẩy chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong khu vực, nhu cầu về các ngành công nghiệp trọng điểm không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như biến động kinh tế ngay cả khi dân số suy giảm. Các sáng kiến dựa vào du lịch có ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản. Tiêu biểu nhất là Gifu, địa phương này đã sử dụng du lịch để tạo ra các ngành công nghiệp trọng điểm mới của khu vực.
Các khu vực của Hida của Gifu, nơi có tài nguyên du lịch dồi dào và Mino, nơi có các ngành công nghiệp địa phương vững mạnh, đã hợp lực cùng thúc đẩy du lịch lưu trú qua đêm, du lịch nhiều điểm đến để tăng việc tiêu thụ các dịch vụ du lịch và phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm.
Các vùng nước nguyên sinh của sông Nagara được bảo tồn trong lưu vực của sông - nơi có 860.000 người dân sinh sống. Cá Ayu (“cá hương hoang dã”) sinh sôi và phát triển ở các vùng nước này, gắn bó sâu sắc với lịch sử kinh tế và văn hóa của khu vực. Văn hóa ẩm thực và các ngành công nghiệp liên quan đến cá Ayu vì thế được phát triển cùng với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và quảng bá mạnh mẽ. Trên sông Nagara, hoạt động đánh bắt cá phát triển mạnh. Rất nhiều người làm việc trong các ngành nghề khác nhau liên quan đến cá Ayu như: đánh bắt cá truyền thống và văn hóa ẩm thực, có những kỹ thuật, phong tục tập quán trong vùng được truyền từ đời này sang đời khác dọc theo lưu vực sông…
Sổ tay được thiết kế cho các điểm đến ở cấp tỉnh, quận/huyện và xã/phường có mong muốn thúc đẩy phương thức phát triển du lịch bền vững hơn thông qua sự tham gia của các bên liên quan tại địa phương với các đối tượng sử dụng: chính quyền địa phương, dân cư địa phương, hiệp hội du lịch và các đơn vị tư nhân.
Với vai trò cơ quan quản lý du lịch quốc gia, đại diện Tổng cục Du lịch khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp với Bình Thuận để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, cùng triển khai nhiều hoạt động hợp tác về hợp tác quốc tế, xúc tiến quảng bá, chuyển đổi số, phát triển du lịch xanh. Hướng đến mục tiêu tăng trưởng khách du lịch tới Bình Thuận, đồng thời đảm bảo sự hài hòa giữa hoạt động du lịch và bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản và tài nguyên du lịch.
NGUYỄN ANH/baovanhoa.vn
http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/61607/quan-tri-diem-den-ben-vung-thong-qua-du-lich