Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm 2022 không có thí sinh nào nhập học bằng phương thức phỏng vấn. Trong khi số thí sinh trúng tuyển và nhập học bằng phương thức xét kết quả học tập cấp THPT kết hợp phỏng vấn cũng chỉ chiếm 0,01%.
Báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT cho thấy, tổng số thí sinh nhập học năm 2022 là 521.263/625.096 chỉ tiêu, đạt 83,39%.
Trong đó, thí sinh trúng tuyển và nhập học bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm tỷ lệ cao nhất: 245.931 (chiếm 47,98% tổng số thí sinh nhập học).
Số thí sinh trúng tuyển và nhập học bằng hình thức xét tuyển kết quả học tập THPT (học bạ) cũng đạt con số khá lớn: 193.805 (chiếm 37,18% tổng số thí sinh nhập học).
Trong khi đó, chỉ hơn 10.000 thí sinh trúng tuyển và nhập học bằng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (chiếm khoảng 1,96% tổng số thí sinh nhập học).
Đặc biệt, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, một số trường đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển, trong đó một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học.
Đáng chú ý, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, không có thí sinh nào nhập học bằng phương thức phỏng vấn. Trong khi số thí sinh trúng tuyển và nhập học bằng phương thức xét kết quả học tập THPT kết hợp phỏng vấn cũng chỉ chiếm 0,01% tổng số thí sinh nhập học.
8 phương thức xét tuyển có số thí sinh nhập học ít nhất
Cũng theo Bộ GD-ĐT, trong 3 năm liền, các lĩnh vực Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.
4 lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh nhập học thấp nhất trong mùa tuyển sinh 2022
Dự kiến công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định như năm 2022, trong đó để tạo sự công bằng cho tất cả thí sinh mà vẫn đảm bảo ưu tiên cho thí sinh ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi điều kiện học tập còn nhiều hạn chế, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện điều chỉnh chính sách ưu tiên khu vực.
Cụ thể, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh vẫn được giữ nguyên cho 4 khu vực như trước đây. Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75; khu vực 2 - nông thôn là 0,5; khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên. Tuy nhiên, điểm ưu tiên sẽ giảm dần khi thí sinh đạt tổng điểm 3 môn ở mức khá giỏi tính từ mốc 22,5 điểm trở lên .
Như vậy, với công thức trên, một học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 điểm trở xuống sẽ được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng vẫn thí sinh đó nếu đạt điểm thi 27 điểm thì điểm ưu chỉ còn 0,3 và nếu điểm thi của thí sinh ở mức 29 điểm thì điểm ưu tiên sẽ chỉ còn 0,1 điểm.
Theo VOV2
https://vov.vn/xa-hoi/nam-2022-khong-co-thi-sinh-nao-nhap-hoc-bang-phuong-thuc-phong-van-post1005261.vov