Nhiều người lớn thích trẻ con phải mập mạp, bụ bẫm mới đáng yêu mà không biết rằng trẻ bị thừa cân béo phì có nguy cơ cao hơn bị dậy thì sớm, đặc biệt ở trẻ gái.
Dấu hiệu dậy thì sớm do thừa cân béo phì ở trẻ
Trong những năm gần đây, tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ nhỏ có xu hướng gia tăng nhanh, đặc biệt ở các thành phố lớn. Theo số liệu thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ 5-19 tuổi năm 2020 (là 19%) tăng gấp đôi so với 10 năm trước (năm 2010 - 8,5%). Trong đó, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Tỷ lệ thừa cân béo phì gia tăng đi kèm với những hậu quả cho sự phát triển của trẻ, trong đó dậy thì sớm là một trong các vấn đề mà nhiều cha mẹ lo lắng hiện nay.
Béo phì làm tăng nguy cơ dậy thì sớm đặc biệt ở trẻ em gái (Ảnh minh họa: Medical News Today).
Trẻ được coi là dậy thì sớm khi xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormon của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường (trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai).
Dấu hiệu dậy thì dễ nhận biết nhất ở trẻ gái là sự phát triển của tuyến vú, phát hiện lông mu và sau đó là sự xuất hiện kinh nguyệt, ở trẻ trai là sự thay đổi giọng nói, sự phát triển của các cơ quan sinh dục và hiện tượng xuất tinh.
Kết quả từ các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ em gái dậy thì sớm ở nhóm thừa cân béo phì cao hơn 2,44 lần có ý nghĩa thống kê so với nhóm trẻ gái có tình trạng dinh dưỡng bình thường. Tuy nhiên, có sự khác biệt theo giới tính, béo phì được coi là một trong những yếu tố nguy cơ góp phần gây dậy thì sớm ở trẻ em gái, nhưng không có mối liên quan giữa béo phì và thời gian bắt đầu dậy thì đối với trẻ trai.
Vì sao trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm hơn?
Các nghiên cứu cho thấy leptin là một hormon được tiết ra từ tế bào mỡ có vai trò trong phát triển dậy thì. Khi có đủ leptin trong cơ thể, quá trình dậy thì sẽ bắt đầu. Vì vậy, trẻ thừa cân béo phì có hàm lượng leptin cao sẽ dễ bị dậy thì sớm hơn.
Béo phì ở trẻ gái trước tuổi dậy thì cũng khiến trẻ có nguy cơ cao mắc hội chứng buồng trứng đa nang ở tuổi vị thành niên. Bên cạnh đó, tình trạng kháng insulin và tăng insulin máu có thể là nguyên nhân góp phần vào nhiều thay đổi ở tuổi dậy thì trên trẻ em bị thừa cân béo phì.
Theo BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ em bị thừa cân đáng kể có nguy cơ phát triển dậy thì sớm hơn. Ngoài ra, việc tiếp xúc với kem hoặc thuốc mỡ chứa estrogen hoặc testosterone hoặc các chất khác có chứa các hormone này (chẳng hạn như thuốc của người lớn hoặc thực phẩm chức năng), cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển dậy thì sớm của trẻ.
Béo phì ở trẻ em còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, tăng mỡ máu, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, hô hấp, thoái hóa khớp… Trẻ béo phì cũng dễ có tâm lý tự ti, mặc cảm và dễ mắc bệnh trầm cảm hơn.
Đậu nành có làm trẻ dậy thì sớm?
Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành (như đậu phụ, nước tương, sữa đậu nành…) là thực phẩm phổ biến trong khẩu phần ăn của người Việt Nam. Đậu nành được ví như "thịt không xương" vì có giá trị dinh dưỡng cao.
Đậu nành tự nhiên có chứa isoflavone, một loại estrogen thực vật (phytoestrogen) có cấu trúc tương tự như estrogen nội tiết tố mà buồng trứng tiết ra nhưng hàm lượng này vẫn rất thấp. Loại tiết tố này thuộc thực vật, không mạnh như tiết tố nguồn động vật nên không thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển sinh lý của trẻ, BS Hưng cho biết.
Làm gì để phòng thừa cân béo phì cho con?
Béo phì là bệnh cần được dự phòng càng sớm càng tốt ngay từ khi trẻ trong bụng mẹ. Đặc biệt chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời của trẻ được tính từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ tròn hai tuổi.
Trong giai đoạn mang thai, cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu kéo dài sẽ dẫn đến tích lũy năng lượng thừa dưới dạng mỡ, bà mẹ tăng cân quá mức dẫn đến nguy cơ đái tháo đường thai kỳ và trẻ sinh ra nặng cân hơn bình thường. Trẻ có cân nặng sơ sinh cao (trên 4kg) là yếu tố nguy cơ gây ra thừa cân béo phì khi trẻ lớn lên.
Để giảm nguy cơ thừa cân béo phì ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau:
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý thời kỳ mang thai giúp mẹ tăng cân hợp lý, con phát triển tốt và phòng tránh các bệnh không lây nhiễm sau này.
- Nuôi con bằng sữa mẹ cũng góp phần làm giảm nguy cơ thừa cân béo phì ở trẻ.
- Khi trẻ đến giai đoạn ăn bổ sung cũng là lúc bố mẹ cần tập cho con thói quen ăn uống lành mạnh và khoa học. Trẻ cần có thói quen ăn cân đối, đủ rau xanh, quả chín, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, bánh kẹo ngọt, đồ uống có đường…
- Bên cạnh chế độ ăn hợp lý, bố mẹ cần tạo cho con thói quen yêu thích hoạt động thể lực hàng ngày và một lối sống năng động, tránh các hoạt động tĩnh như xem tivi, chơi điện tử quá nhiều.
- Cần theo dõi cân nặng và chiều cao cho trẻ thường xuyên để điều chỉnh sớm tránh dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ.
Theo Hà An/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/thay-con-lon-phong-phao-cha-me-khong-nen-qua-vui-mung-20230302161233057.htm