Cập nhật: 10/03/2023 08:30:00
Xem cỡ chữ

Rối loạn dạng cơ thể (somatoform disorder) ở trẻ là một loại rối loạn tâm lý, trẻ biểu hiện các triệu chứng khó chịu về sức khỏe mà không có nguyên nhân vật lý cụ thể để giải thích.

Rối loạn dạng cơ thể có căn nguyên sinh học rõ ràng, do trẻ cảm nhận tín hiệu trên não bị "sai vị trí" và không phải trẻ cố tình hay "giả vờ".

Các triệu chứng rối loạn dạng cơ thể thường gặp ở trẻ em

  • Đau bụng: Đau bụng là triệu chứng phổ biến nhất ở trẻ em. Trẻ có thể mô tả đau ở vùng bụng, và thường được miêu tả như một cảm giác đau nhức hoặc cơn đau cắt.

  • Đau đầu: Trẻ có thể miêu tả đau đầu ở một vị trí cụ thể hoặc phân tán trên toàn bộ đầu.

  • Buồn nôn: Trẻ có thể mô tả một cảm giác khó chịu hoặc muốn nôn, thường xuyên kèm theo đau bụng hoặc đau đầu.

  • Suy nhược: Trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ, mất cảm giác đói hoặc ăn uống kém.

  • Ngất

  • Khó thở, hụt hơi hoặc thở rướn

  • Khó khăn vận động: Yếu, liệt hoặc có những cơn co giật không do động kinh

  • Triệu chứng tâm lý khác: Trẻ có thể có các triệu chứng tâm lý khác như lo lắng, giận dữ, tâm trạng thất thường, sợ hãi, khó chịu và khó kiểm soát.

Các triệu chứng này thường ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ và có thể gây ra một loạt các vấn đề khác nhau như vắng học, giảm hiệu suất học tập và xã hội hóa.

Trẻ có thể xuất hiện một triệu chứng rối loạn dạng cơ thể duy nhất hoặc kết hợp các triệu chứng trên. Mức độ triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng này thường được bố mẹ đưa trẻ đi khám nhiều lần nhưng không lí giải được triệu chứng, điều trị không đỡ hoặc thuyên giảm ít, dễ tái phát trong những đợt trẻ gặp căng thẳng.

Rối loạn dạng cơ thể ảnh hưởng đến khoảng 5-7% dân số, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Đây là một trong những tình trạng phổ biến được báo cáo trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trẻ gái phổ biến hơn trẻ trai, cao hơn ở những bệnh nhân có bệnh điều trị kéo dài.

Chẩn đoán và điều trị bệnh rối loạn dạng cơ thể ở trẻ em - Ảnh 1.

Rối loạn dạng cơ thể có căn nguyên sinh học rõ ràng, do trẻ cảm nhận tín hiệu trên não bị "sai vị trí" và không phải trẻ cố tình hay "giả vờ"

Chẩn đoán rối loạn dạng cơ thể ở trẻ

Để chẩn đoán rối loạn dạng cơ thể ở trẻ cần một đội ngũ bác sĩ, bao gồm bác sĩ chuyên khoa tâm thần, bác sĩ nhi khoa, bác sĩ chuyên khoa (tiêu hóa, thần kinh, tim mạch…). Trên thực tế lâm sàng, nhiều gia đình đã đưa trẻ đi khám tại nhiều cơ sở y tế khác nhau với những xét nghiệm kiểm tra lặp lại nhiều lần tại một chuyên khoa nhưng vẫn không tìm thấy nguyên nhân nhưng lại ngần ngại không đưa trẻ đi khám chuyên khoa tâm thần nên rối loạn của trẻ không được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Mục tiêu điều trị rối loạn dạng cơ thể là quản lý các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ. Cognitive Behavioral Therapy (CBT) là một phương pháp được sử dụng phổ biến để điều trị rối loạn dạng cơ thể ở trẻ. CBT sử dụng phương pháp trò chuyện để giúp trẻ hiểu và thay đổi suy nghĩ và hành vi để cải thiện triệu chứng của trẻ. Một số trẻ có chỉ định dùng thuốc hướng thần tùy theo các tình trạng bệnh lý sức khỏe tâm thần phối hợp.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị phù hợp, rối loạn dạng cơ thể có thể gây ra những tác động xấu đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, như:

- Ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của trẻ: Rối loạn dạng cơ thể có thể gây ra những tác động tâm lý và hành vi, như lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, khó ngủ, tăng cảm giác đau, mất tự tin, suy nghĩ tiêu cực, thường xuyên tỏ ra lo lắng về sức khỏe của mình.

- Giảm chất lượng cuộc sống: Triệu chứng của rối loạn dạng cơ thể có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ, gây ra khó khăn trong việc học tập, tương tác xã hội và tham gia các hoạt động vui chơi.

- Ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện: Rối loạn dạng cơ thể có thể ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện của trẻ, gây ra các vấn đề về dinh dưỡng, cân nặng và sức khỏe vật lý.

- Một số thăm dò xâm lấn không cần thiết gây thêm đau đớn cho trẻ. Những trẻ bị rối loạn dạng cơ thể cũng có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn lo âu và rối loạn trầm cảm khi trưởng thành. Tuy nhiên, trẻ rối loạn dạng cơ thể nếu được can thiệp đúng cách thường hồi phục tốt, trở lại với nhịp học tập và sinh hoạt bình thường.

Phòng ngừa rối loạn dạng cơ thể cho trẻ

Để phòng ngừa rối loạn dạng cơ thể cho trẻ cần rèn luyện cho trẻ biết cách đối mặt với căng thẳng, thư giãn nghỉ ngơi hợp lý, nếu trẻ có bệnh cơ thể nên cung cấp cho trẻ những kiến thức đúng, vừa đủ về bệnh, tránh những lo lắng không cần thiết.

Việc đưa trẻ đi thăm khám sớm và đưa ra chẩn đoán chính xác là rất quan trọng để có thể điều trị và kiểm soát các triệu chứng rối loạn dạng cơ thể.

Theo Ths.BSNT. Vũ Thị Mỹ Hạnh

(Khoa Sức khoẻ Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương)/suckhoedoisong.vn

 https://suckhoedoisong.vn/chan-doan-va-dieu-tri-benh-roi-loan-dang-co-the-o-tre-em-169230301084406982.htm