Ngành du lịch Thủ đô triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác với các địa phương nhằm nâng cao khả năng thu hút khách, chất lượng dịch vụ, cũng như phát triển sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch.
Du khách trải nghiệm du lịch quanh hồ Hoàn Kiếm bằng xích lô. (Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN)
Là trung tâm du lịch lớn, đồng thời là điểm trung chuyển khách đi các tỉnh, thành phố khác, Hà Nội có vị trí quan trọng trong phát triển du lịch của khu vực phía Bắc cũng như cả nước.
Với đặc thù đó, ngành du lịch Thủ đô triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác du lịch với các địa phương nhằm nâng cao khả năng thu hút khách, chất lượng dịch vụ du lịch, cũng như phát triển sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch.
Hình thành sản phẩm du lịch mới
Với tính chất liên vùng, sản phẩm du lịch luôn có sự kết nối giữa các điểm đến, từ trong nội thành, nội tỉnh, đến việc kết nối giữa các địa phương; có thể thấy rõ khi các tour du lịch có điểm đến tại Hà Nội luôn được kết nối với các trọng điểm du lịch khác như Hạ Long (Quảng Ninh), Sa Pa (Lào Cai), Tràng An (Ninh Bình), Mộc Châu (Sơn La)...
Các tour du lịch như vậy phù hợp với đông đảo du khách đến từ các tỉnh, thành phố miền Trung, miền Nam, đặc biệt là khách quốc tế có thời gian du lịch dài ngày.
Hơn nữa, việc kết nối du lịch từ Hà Nội đến các địa phương trong cả nước, không chỉ giúp khai thác rộng hơn sản phẩm du lịch cho các doanh nghiệp lữ hành Thủ đô, mà còn kích thích việc đưa đón khách hai chiều, thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển.
Những năm qua, ngành du lịch Thủ đô liên kết, hợp tác phát triển với rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tập trung vào nhiều lĩnh vực, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm du lịch.
Hàng năm, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức các chương trình kết nối du lịch tới các tỉnh, thành phố trên cả nước như Quảng Bình, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Kon Tum, Đắk Lắk, Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Ninh, các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long... với sự tham dự của nhiều hãng lữ hành.
Năm 2023, ngành du lịch Hà Nội chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch thông qua việc kết nối vận chuyển hàng không; ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng, khu vực Tây Bắc, Việt Bắc...
Du khách đến tham quan và trải nghiệm bay khinh khí cầu tại khu vườn nhãn Long Biên, ven sông Hồng, Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình "Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi 2022." (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cũng cho biết trong năm 2023, thành phố liên kết phát huy tài nguyên và nguồn lực để phát triển sản phẩm liên kết vùng, phát triển thị trường khách MICE (du lịch hội nghị, hội thảo), du lịch cuối tuần, phát triển sản phẩm du lịch đô thị, du lịch biển đảo, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch giáo dục...
Hà Nội cũng tạo sân chơi kết nối các doanh nghiệp du lịch của các địa phương, liên kết hợp tác xây dựng tuyến du lịch kết nối giữa các địa phương với Thủ đô; tạo điều kiện gắn kết hệ thống kinh doanh lữ hành, lưu trú, ăn uống, mua sắm, vận chuyển khách du lịch và phát triển sản phẩm, khai thác sản phẩm du lịch.
Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch
Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện du lịch Thủ đô cả về quy mô, chất lượng dịch vụ, số lượng và chất lượng khách, đảm bảo tính bền vững, giữ vững vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Thành phố phấn đấu thu hút 22 triệu lượt khách du lịch, trong đó 3 triệu lượt khách quốc tế.
Công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh được coi là một trong những giải pháp được ưu tiên để thu hút khách; việc hợp tác liên kết giữa thành phố với các địa phương trong cả nước để quảng bá hình ảnh được ngành du lịch quan tâm.
Hà Nội chủ động mời các địa phương cùng tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn Thủ đô năm 2023; tập trung quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp khởi hành từ thành phố.
Ngành du lịch tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của các tỉnh, thành phố trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá trên website, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook...), hệ thống thông tin đại chúng.
Đoàn famtrip Australia, đoàn famtrip quốc tế đầu tiên đến Hà Nội sau dịch COVID-19, tham quan chùa Một Cột, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN phát)
Hà Nội phối hợp với các tỉnh, thành phố trọng điểm, đặc biệt là các thị trường trọng điểm phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam... tổ chức các đoàn khảo sát đến tham quan, khảo sát các điểm đến du lịch tai các tỉnh, thành phố nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến và xây dựng các tour du lịch hấp dẫn, độc đáo, có tính kết nối cao.
Sở Du lịch hỗ trợ các hoạt động quảng bá xúc tiến, giới thiệu sản phẩm du lịch của các địa phương như: Ngày văn hóa các tỉnh, thành phố tại Hà Nội, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hanoi)...
Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, trong bối cảnh du lịch đang có nhiều khởi sắc, lượng khách trong nước và quốc tế có mức tăng trưởng mạnh, ngành du lịch đang tiếp tục thực hiện các giải pháp để thúc đẩy hoạt động du lịch thực sự phục hồi và phát triển bền vững.
Bên cạnh việc xây dựng hạ tầng, sản phẩm, môi trường du lịch, nguồn nhân lực, thì cần tăng cường liên kết xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thu hút khách đến nhiều hơn.
Hiệu quả mang lại từ việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch đã được khẳng định từ nhiều năm qua.
Các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng, hấp dẫn, góp phần quảng bá nét đặc trưng về văn hóa, ẩm thực và danh thắng của các địa phương, trong đó có Hà Nội.
Lượng khách du lịch đến Thủ đô cũng như các địa phương có sự tăng trưởng đáng kể. Du lịch Hà Nội đang từng bước khẳng định là điểm đến "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn"./.
Theo Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-lien-ket-phat-trien-cac-san-pham-va-quang-ba-du-lich/850558.vnp