Trong khi nhiều trường đại học, nhất là các trường tốp đầu, đang có xu hướng giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp thì đây lại là phương thức xét tuyển chính của học trò vùng khó.
(Ảnh minh họa: PM/Vietnam+)
Năm học này, cả trường Trung học phổ thông Na Hang (huyện Na Hang, một trong những huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Tuyên Quang) chỉ có duy nhất một học sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực. Khoảng cách địa lý và điều kiện kinh tế khiến cho hầu hết học sinh không thể tiếp cận các kỳ thi riêng.
Trong khi nhiều trường đại học, nhất là các trường tốp đầu, đang có xu hướng giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp thì đây lại là phương thức xét tuyển chính của học trò vùng khó.
“Ngày càng nhiều trường sử dụng kết quả thi riêng nên việc khó tham dự các kỳ thi này là thiệt thòi của học trò miền núi. Rào cản thứ nhất là có thể là các em chưa tự tin khi về Thủ đô dự thi với các bạn trên toàn quốc, thứ hai là điều kiện gia đình, đi lại khó khăn,” thầy Đỗ Phú Cường, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Na Hang chia sẻ.
Khó tiếp cận các kỳ thi
Trần Huyền My, học sinh Trường Trung học phổ thông Na Hang cho hay để di chuyển từ một huyện nghèo miền núi đến trung tâm các thành phố lớn dự thi đánh giá năng lực là một thách thức với em cũng như các bạn do xa xôi và tốn kém.
Có lực học tốt và đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Tiếng Anh, Nguyễn Xuân Trường (học sinh lớp 12C1, Trường Trung học phổ thông Chiêm Hóa) mong muốn “đầu quân” cho Đại học Ngoại thương. Em dự định xét tuyển theo ba phương thức: Theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, sử dụng chứng chỉ quốc tế IELTS, theo phương thức ưu tiên xét tuyển đối với học sinh giỏi giải cấp tỉnh.
Hiện Trường đang tập trung ôn thi tốt nghiệp theo các lớp do trường tổ chức. Riêng với kỳ thi IELTS, Trường phải tự tìm tài liệu, tự học qua các khóa học online. “Các trung tâm luyện thi đều ở các thành phố và đây là một cản trở lơn đối với em khi phải di chuyển từ một thị trấn ở miền núi,” Trường chia sẻ.
Trường cho hay do tự học trong khi tài nguyên trên mạng rất rộng nên đôi lúc em cũng không xác định được mình cần những tài liệu gì để hỗ trợ phù hơp cho việc học của mình.
Khoảng cách địa lý quá xa và hạn chế nguồn tài nguyên học liệu cũng là lý do mà Trường và hầu hết các bạn học cùng trường của mình không thể dự thi các kỳ thi đánh giá năng lực khi các kỳ thi này đều được tổ chức ở các thành phố lớn. “Việc dự các kỳ thi này là không hề dễ dàng,” Trường chia sẻ.
Vì thế, theo Trường, việc các đại học giảm chỉ tiêu ở phương thức xét tốt nghiệp đồng nghĩa với việc giảm cơ hội cho học sinh vùng núi như em, đặc biệt là trong mùa thi năm 2023 khi lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng cách cộng điểm ưu tiên mới: Điểm thi càng cao, điểm cộng càng giảm.
“Việc cạnh tranh giữa học sinh miền núi và vùng đồng bằng sẽ lớn hơn và học sinh miền núi vốn ít cơ hội sẽ càng có ít cơ hội hơn trong việc đậu vào trường đại học mà mình mong muốn,” Trường nói.
Học sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Giống như Trường, Nguyễn Mai Chi, cô bạn cùng trường với em cũng đang ngày đêm nỗ lực ôn thi tốt nghiệp để chinh phục ước mơ bước chân vào ngành sư phạm bằng điểm kỳ thi này dù Đại học Sư phạm Hà Nội có tổ chức kỳ thi riêng.
Hẹp cửa vào đại học?
Theo công bố của các trường đại học có tổ chức các kỳ thi riêng, địa điểm tổ chức thi khá hạn chế. Kỳ thi riêng của Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ tổ chức ở hai địa điểm là Hà Nội và Quy Nhơn. Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội có phạm vi “phủ sóng” rộng hơn nhưng hầu hết chỉ tập trung ở khu vực đồng bằng. Các tỉnh miền núi phía Bắc chỉ có duy nhất một điểm thi tại Đại học Thái Nguyên.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội thừa nhận việc tổ chức điểm thi hạn chế sẽ khiến cho các thí sinh vùng khó ít cơ hội tiếp cận hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, do bên cạnh kỳ thi riêng, các trường vẫn sử dụng đa dạng phương thức xét tuyển nên việc tổ chức điểm thi hạn chế không vi phạm quy chế tuyển sinh đại học. Những thí sinh không dự các kỳ thi riêng này vẫn có thể xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc xét theo học bạ, là phương thức vẫn được hầu hết các trường sử dụng.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT, việc ít cơ hội tham gia các phương thức xét tuyển hơn đồng nghĩa với việc cơ hội đỗ của các em cũng ít hơn.
Cơ hội này càng hẹp hơn nữa khi chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp ngày càng giảm, đặc biệt là ở các trường có tính cạnh tranh cao. Năm nay, Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ dành 25% chỉ tiêu cho phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đại học Thương mại cũng công bố giảm 10%.
“Thêm phương thức đồng nghĩa với cơ hội đậu đại học các em giảm đi. Đây cũng là điều chúng tôi rất trăn trở và tới đây trường sẽ phải tính toán lại phương thức ôn tập cho các em để có hiệu quả cao hơn nữa,” thầy Lâm Bình Hưng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chiêm Hóa chia sẻ.
Thầy lo điều chỉnh phương thức ôn tập, còn các trò cũng nỗ lực gấp đôi để giành tấm vé vào đại học. “Khi biết các trường tăng chỉ tiêu ở các kỳ thi riêng em cũng khá lo lắng và cảm thấy áp lực. Nhưng em cũng tự động viên bản thân và biến áp lực đó thành động lực để mình cố gắng học tốt đều các môn để có học bạ đẹp và nỗ lực ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới,” Nguyễn Mai Chi, học sinh Trường Trung học phổ thông Chiêm Hóa nói./.
Theo Phạm Mai (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/da-dang-phuong-thuc-tuyen-sinh-tro-vung-kho-lo-hep-cua-vao-dai-hoc/853623.vnp