Cập nhật: 27/03/2023 16:56:00
Xem cỡ chữ

Cả người lớn và trẻ em đều rất dễ mắc phải bệnh thủy đậu (bệnh trái rạ, phỏng rạ) nếu như trong cơ thể chưa có kháng thể chống lại virus thủy đậu (Varicella virus hoặc Varicella-Zoster) gây nên bệnh thủy đậu. Nguy hiểm hơn là bệnh thủy đậu có thể gây biến chứng nguy hiểm cho mọi lứa tuổi.

Con đường lây nhiễm virus thủy đậu

Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây nhiễm từ người sang người bằng cách tiếp xúc trực tiếp, lây lan qua không khí từ các giọt nước bọt nhỏ li ti được bắn ra từ đường hô hấp khi ho, hắt hơi, nói chuyện… hoặc lây từ các chất dịch ở nốt phỏng hoặc lây qua dụng cụ tiếp xúc như sàn nhà, tay vịn cầu thang, dụng cụ, đồ chơi của trẻ hoặc lây do dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn mặt hoặc do ăn uống chung với người đang bị thủy đậu…

Đề phòng những biến chứng nguy hiểm của thủy đậu - Ảnh 2.

Các nốt phỏng nước nổi khắp cơ thể là biểu hiện điển hình của thủy đậu

Biến chứng nguy hiểm của thủy đậu

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng ngoài những phỏng nước gây khó chịu, nhất là phỏng nước xuất hiện trong niêm mạc miệng. Tuy vậy, bệnh thuỷ đậu nếu không cẩn thận trong chăm sóc có thể gây ra một số biến chứng, thậm chí biến chứng nguy hiểm.

- Nhiễm trùng da: Biến chứng hay gặp nhất là gây nhiễm trùng da nơi mọc phỏng nước vì vậy sẽ để lại sẹo sau khi khỏi bệnh làm mất thẩm mỹ cho người khỏi bệnh. Nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não.... những biến chứng này sẽ rất khó chữa trị, bởi vì virus thuỷ đậu cũng như các loại virus khác là chưa có một loại thuốc kháng sinh nào đặc trị được.

Căn bệnh này nếu gặp ở phụ nữ đang mang bầu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, bởi vì có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật thai nhi. 

Viêm phổi: Bệnh thủy đậu cũng có thể gây biến chứng viêm phổi. Biến chứng này thường xảy ra ở người trưởng thành, vào ngày thứ 3 - 5 sau khi phát bệnh. Biểu hiện như ho nhiều, ho ra máu, khó thở và tức ngực. 

- Viên thận: Bệnh thủy đậu cũng có thể gây viêm thận, viêm cầu thận cấp. 

- Zona thần kinh: Một biến chứng khác có liên quan giữa virus gây bệnh Zona thần kinh và bệnh thủy đậu. Đó là bệnh Zona thần kinh (bệnh giời leo) là kết quả của sự tái hoạt động của virus thủy đậu (varicella-zoster virus). 

Bệnh Zona thần kinh do virus thủy đậu tái hoạt động gây ra, thường xảy ra trong nhiều năm sau lần bị bệnh thủy đậu ban đầu và có thể dẫn đến các biến chứng như viêm kết mạc, giác mạc, viêm màng bồ đào, rối loạn tiết niệu - trực tràng, liệt mặt, viêm não, màng não. Tất cả các biến chứng này đều rất nguy hiểm. 

Biến chứng đáng sợ nhất của Zona thần kinh được gọi là đau sau zona, thường gặp ở người cao tuổi, có làn da khô, mỏng. Đây là tình trạng đau dai dẳng ở vùng da sau khi mụn nước đã lành (4-6 tuần), rất khó chữa trị. Căn bệnh này làm cho người bệnh phải chịu những cơn đau liên tục như dao đâm, cắt thịt, kéo dài vài tháng, vài năm hoặc suốt đời.

Đề phòng những biến chứng nguy hiểm của thủy đậu - Ảnh 4.

Zona thần kinh là kết quả của sự tái hoạt động của virus thủy đậu.

Bệnh thủy đậu hiện nay chưa có thuốc đặc trị, chỉ có các loại thuốc và phương pháp hỗ trợ điều trị. Người bệnh mắc thể nhẹ có thể được điều trị tại gia đình theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ khám bệnh. Khi có dấu hiệu của những biến chứng do thủy đậu gây ra, cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện có đủ điều kiện để khám chữa kịp thời.

Để phòng bệnh thuỷ đậu cũng như phòng biến chứng tốt nhất là tiêm vaccine thuỷ đậu, ngoài trẻ em, người lớn nếu chưa được tiêm hoặc chưa bị mắc bệnh thuỷ đậu bao giờ cũng nên tiêm vaccine thuỷ đậu. Ngoài ra, cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, nhất là ở các lớp mầm non, nhà trẻ, mẫu giáo. Khi phát hiện có người bệnh cần được cách ly với người xung quanh bệnh nhân, nhất là trẻ nhỏ.

Theo TS. Bùi Mai Hương/suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/bien-chung-nguy-hiem-cua-thuy-dau-169230323092129507.htm