Cập nhật: 30/03/2023 08:00:00
Xem cỡ chữ

Trung Quốc đang thực thi chủ trương đưa hoạt động thương mại vào chính quy, do đó đòi hỏi hàng hóa Việt Nam cần hướng đến xuất khẩu chính ngạch với phía bạn.

Nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chủ lực nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm nông sản. Nửa cuối năm 2022 được coi là thời điểm khởi sắc của nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, khi có tới 5 mặt hàng lần lượt được cấp phép nhập khẩu vào thị trường này.

Tính đến hiện tại, Trung Quốc đã cho phép nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam được xuất khẩu theo đường chính ngạch bao gồm chanh leo, sầu riêng, chuối, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, măng cụt, vải, chôm chôm, ớt, thạch đen, cám gạo và gạo.

xuat khau nong san chinh ngach phu hop voi thi truong trung quoc hinh anh 1

Xuất khẩu nông sản chính ngạch qua cửa khẩu đường bộ đảm bảo thông quan nhanh, thủ tục dễ dàng hơn so với tiểu ngạch.

Sau khi thực hiện chiến lược “Zero Covid”, từ đầu năm 2023 Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại với nhiều chính sách nới lỏng về xuất, nhập cảnh tạo thuận lợi về xuất, nhập khẩu hàng hóa đã giúp hoạt động thương mại giữa hai quốc gia có sự cải thiện.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc khôi phục lại phương thức hoạt động thông quan là một tin vui với DN xuất khẩu rau quả Việt Nam. Hiện nay, trái cây xuất khẩu đi Trung Quốc chủ yếu bằng đường bộ nên khi thông quan trở lại bình thường, hoạt động xuất khẩu được diễn ra nhanh chóng, chỉ 1,5 - 2 ngày là hàng hóa từ vườn đã tới cửa khẩu.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã giúp hoạt động xuất, nhập khẩu giữa hai quốc gia dần sôi động. Song Trung Quốc cũng có thêm những quy định rất mới và tiêu chuẩn khá khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu, nên các DN xuất khẩu nông sản cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi quay lại thị trường quan trọng này.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) nêu thực tế, trước đây, do đặc thù về vị trí địa lý nên hình thức buôn bán tiểu ngạch rất phát triển và sôi động. Hiện nay, Trung Quốc đang thực thi chủ trương đưa hoạt động thương mại vào chính quy, do đó đòi hỏi hàng hóa Việt Nam cần hướng đến xuất khẩu chính ngạch với phía bạn.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản chính ngạch sang thị trường tỷ dân này, ông Tô Ngọc Sơn khuyến cáo các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.

“Các DN cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, DN phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường”, ông Sơn khuyến nghị.

Nhằm tranh thủ các cơ hội khi Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị đánh giá toàn diện các biện pháp điều chỉnh chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc đến sản xuất và xuất khẩu của nước ta để có giải pháp hỗ trợ DN. Phối hợp với các địa phương nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã xác định tập trung cao độ hỗ trợ các DN Việt Nam chuyển đổi, khai thác tối đa mọi cơ hội để xuất khẩu những loại quả và thực phẩm được Trung Quốc cho xuất khẩu chính ngạch gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, sầu riêng, khoai lang, tổ yến.

“Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đã tăng cường trao đổi thông tin thường xuyên, thiết lập những đường dây nóng để trao đổi trực tiếp khi phải tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng thời, hỗ trợ các DN Việt Nam mang sản phẩm sang những hội chợ, triển lãm lớn, chuyên ngành tại Trung Quốc. Song song với đó là đón các đoàn DN của Trung Quốc vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội giao thương với đối tác và nhà cung cấp. Điều này cũng góp phần tận dụng tối đa mọi cơ hội khi thị trường Trung Quốc được hồi phục trở lại”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay.

xuat khau nong san chinh ngach phu hop voi thi truong trung quoc hinh anh 2

Các địa phương cần phối hợp điều tiết tốc độ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc

Mới đây, trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trao đổi đồng thời đưa ra các đề xuất nhằm thúc đẩy, tạo đột phá hợp tác kinh tế thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hai bên.

Bộ trưởng đề nghị phía Vân Nam nhanh chóng khôi phục hoàn toàn hoạt động của các cửa khẩu, lối mở giữa Việt Nam - Vân Nam. Tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu, tạo điều kiện để lái xe Việt Nam có thể ở lại qua đêm tại cửa khẩu phía Trung Quốc, trong trường hợp hàng hóa chưa thông quan kịp trong ngày. Xem xét dỡ bỏ yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ đối với lái xe khi nhập cảnh, để giúp thuận lợi hóa thông quan...

Bộ trưởng cũng đề nghị phía Vân Nam nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí logistics và nâng cấp hạ tầng phục vụ nhập khẩu thủy hải sản từ Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Vân Nam và các tỉnh trong nội địa Trung Quốc, qua đó đưa mặt hàng này trở thành “điểm tăng trưởng mới” trong thương mại Việt Nam - Vân Nam./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN - 30/03/2023

 https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/xuat-khau-nong-san-chinh-ngach-phu-hop-voi-thi-truong-trung-quoc-post1010545.vov