Ngày 15/4, các bộ trưởng thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã bắt đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày tại thành phố Sapporo (miền Bắc Nhật Bản), nhằm tìm giải pháp tăng cường an ninh năng lượng, đồng thời đẩy nhanh các nỗ lực trung hòa carbon.
Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn thạo tin cho biết trọng tâm chú ý của dư luận xoay quanh việc liệu cuộc họp G7 về các vấn đề khí hậu, năng lượng và môi trường có thể đạt được sự thống nhất về các mục tiêu đầy tham vọng nhằm giảm lượng khí thải CO2, bao gồm cả trong lĩnh vực sản xuất điện và ô tô, hay không. Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các cuộc họp trực tiếp cấp bộ trưởng trước thềm hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 5 tới.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái do Đức chủ trì, các quốc gia thành viên đã nhất trí trung hòa carbon "hoàn toàn hoặc phần lớn" trong ngành điện vào năm 2035, song không thống nhất được mốc thời gian cụ thể về mục tiêu loại bỏ dần sản xuất điện than do sự phản đối của các nước nghèo tài nguyên. Nhật Bản là một trong số những quốc gia tuyên bố tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch có chi phí tương đối rẻ này.
Tại cuộc họp năm nay, Anh và Canada cho rằng cần loại bỏ cụm từ "phần lớn" nêu trên, đồng thời thúc đẩy quá trình khử carbon hoàn toàn trong ngành điện vào năm 2035, trong khi Đức là một trong những quốc gia kêu gọi loại bỏ dần điện than mà không hạn chế các công nghệ giảm lượng khí thải.
Một trọng tâm khác là cam kết của các bộ trưởng G7 về việc thúc đẩy các phương tiện không phát thải, bao gồm cả việc liệu họ có đặt mục tiêu thị phần cho các phương tiện đó, hay thậm chí là đặt ra khung thời gian để loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch hay không.
Cuộc họp của các bộ trưởng G7 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhu cầu cấp bách về các nỗ lực để hạn chế sự ấm lên toàn cầu. Trong một báo cáo hồi tháng trước Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc khẳng định: "Những lựa chọn và hành động được thực hiện trong thập kỷ này sẽ có tác động ngay bây giờ và cho tới 1.000 năm sau".
Báo cáo của IPCC nêu rõ để kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp theo mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong năm 2023 thế giới cần cắt giảm được lượng khí thải tương đương 50% lượng khí thải CO2 ghi nhận vào năm 2019, đồng thời nâng tỷ lệ này lên mức 65% trong năm 2035.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tình hình xung đột tại Ukraine đang đặt ra những thách thức lớn cho các nỗ lực trung hòa carbon toàn cầu, do các quốc gia dựa vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Nga buộc phải tìm cách đa dạng hóa và đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định, trong đó bao gồm cả than đá.
Dự kiến, cuộc họp G7 do hai bộ trưởng Nhật Bản là ông Akihiro Nishimura (Bộ Môi trường) và ông Yasutoshi Nishimura (Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp) đồng chủ trì cũng sẽ thảo luận về các biện pháp ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học.
Theo các nguồn thạo tin, cuộc họp sẽ đưa ra những hướng dẫn, nhằm khuyến khích các công ty sản xuất các sản phẩm dễ tái chế, trong bối cảnh nhu cầu về kim loại hiếm được dự báo sẽ tăng cao khi xe điện ngày càng được sử dụng rộng rãi. Các bộ trưởng G7 cũng cho rằng cần đảm bảo nguồn cung khoáng sản thiết yếu minh bạch và bền vững, nhằm tăng cường an ninh năng lượng, trong bối cảnh việc sản xuất kim loại hiếm như lithium và coban đang phụ thuộc vào một số quốc gia như Trung Quốc.
Theo Thanh Phương (TTXVN) - 15/04/2023
https://baotintuc.vn/the-gioi/g7-tap-trung-giai-quyet-van-de-an-ninh-nang-luong-va-trung-hoa-carbon-20230415121509957.htm