Cập nhật: 21/04/2023 07:30:00
Xem cỡ chữ

Răng sữa có vai trò rất quan trọng, tạo chỗ cho răng vĩnh viễn mọc sau này. Tuy vậy, vẫn còn nhiều cha mẹ không coi trọng răng sữa mà chỉ quan tâm đến răng vĩnh viễn. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy. Vậy, chăm sóc răng sữa ra sao, quá trình thay răng sữa ở trẻ khi nào và cần lưu ý gì?

Răng sữa ở trẻ và thời gian mọc răng vĩnh viễn

Răng sữa ở trẻ rất quan trọng, có vai trò nhai nghiền thức ăn, thẩm mỹ và định hướng cho răng vĩnh viễn.

Độ tuổi mọc răng sữa ở trẻ diễn ra ở khoảng thời gian như sau:

+ Trẻ khoảng 6 - 7 tháng tuổi mọc 4 răng cửa hàm dưới

+ Trẻ khoảng 8 - 9 tháng tuổi mọc 4 răng cửa hàm trên

+ Trẻ khoảng 3 đến 4 tuổi sẽ mọc được khoảng 20 răng sữa, răng sữa sẽ bắt đầu từ răng số 1 đến răng số 5. Từ răng số 6 sẽ tính là răng vĩnh viễn và chỉ mọc một lần.

Khi nào trẻ thay răng sữa thành răng vĩnh viễn là câu hỏi của nhiều cha mẹ nuôi con lần đầu. Thông thường ở độ tuổi trẻ từ 6 - 12 thay răng sữa đầu tiên, nhưng có trẻ thay răng sớm hoặc muộn.

Nhìn chung giai đoạn trẻ từ 6 - 8 tuổi răng vĩnh viễn sẽ mọc từ từ thay thế cho răng sữa. Và chiếc răng sữa cuối cùng sẽ rụng khi trẻ 12 hay 13 tuổi.

Thay răng sữa ở trẻ và cách chăm sóc đúng - Ảnh 2.

Răng sữa có vai trò rất quan trọng.

Độ tuổi thay răng ở trẻ và những điều cần lưu ý

- Chải răng đúng cách

Dạy trẻ cách chải răng và thói quen chải răng từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng. Cha mẹ cần cho trẻ sử dụng bàn chải nhỏ, mềm. Nên dùng kem đánh răng có vị ngọt, hương thơm, bởi trẻ có thể nuốt kem bất cứ lúc nào, nên chỉ lấy lượng kem bằng hạt đậu.

Việc chải răng cũng cần thực hiện đúng cách, khi nhỏ cha mẹ chải răng giúp cho bé. Lớn hơn chút cha mẹ cần giám sát và hướng dẫn trẻ khi chải răng, cụ thể cho bé há miệng nhỏ hoặc cắn chặt 2 hàm, rồi làm động tác xoay tròn từ hàm trên xuống hàm dưới đối với mặt ngoài.

Cần chải răng 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối, chải răng ngay sau mỗi bữa ăn vì diễn tiến sâu răng mạnh nhất chỉ trong khoảng 30 phút sau khi ăn. Chải răng trước khi đi ngủ là quá muộn và ít tác dụng. Tuy nhiên, đối với thức ăn có tính acid cao như cam, chanh thì không được chải răng ngay, vì men răng đã bị acid làm yếu đi, nếu chải răng ngay sẽ làm mòn men răng.

- Cho trẻ ăn vặt đúng cách tránh nguy cơ sâu răng

Ở lứa tuổi thay răng trẻ có thể tự lấy đồ ăn và ăn vặt bất cứ khi nào muốn. Chính vì vậy, việc sâu răng sẽ có nguy cơ cao. Cha mẹ cần nói chuyện với trẻ về vấn đề sâu răng, những loại đồ ăn nào tốt, đồ ăn nào không tốt cho răng. Hướng dẫn có nguyên tắc về vấn đề ăn vặt để phòng tránh sâu răng.

Do kẹo, bánh ngọt, chất đường... không tốt cho răng, vì vậy không nên ăn bánh kẹo, đồ ngọt trước lúc đi ngủ hay trước bữa ăn, không ăn vặt mà nên ăn thành bữa, ăn xong phải súc miệng, chải răng ngay.

Đối với các loại nước ngọt cũng vậy, nên dùng ống hút khi uống để hạn chế đường bám vào men răng.

Thay răng sữa ở trẻ và cách chăm sóc đúng - Ảnh 3.

Dạy trẻ cách chải răng và thói quen chải răng từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng. Ảnh minh hoạ.

- Dinh dưỡng ở thời kỳ thay răng

Muốn trẻ phát triển tối ưu về thể chất nói chung, có hàm răng khỏe đẹp nói riêng, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các yếu tố dinh dưỡng và các yếu tố ngoài dinh dưỡng. Khi một trong các yếu tố nêu trên bị khiếm khuyết, đều có thể dẫn đến tình trạng răng hư, xấu, mất răng…

Một chế độ ăn đầy đủ và cân đối rất cần thiết để bảo đảm cho răng trẻ phát triển với cấu trúc vững chắc.

Cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn giàu canxi, vitamin A, C, D… giúp trẻ hấp thu các khoáng chất tốt, giúp răng khỏe đẹp, nếu thiếu sẽ khiến chậm mọc răng, răng yếu, dễ bị mủn, bị gãy.

Các thực phẩm được ưu tiên bổ sung bao gồm: Sữa, cá, trứng, các loại hải sản như cá nhỏ có thể ăn cả xương, cua biển, ngao, sò, tôm, các loại rau họ cải như cải xanh, cải thìa, cải chíp… Các loại củ quả màu vàng/đỏ đậm (cà chua, carrot, đu đủ…), rau xanh đậm (rau ngót, rau muống, rau dền…).

Các loại rau, hoa quả, ngũ cốc, khoai củ, mía cây… sẽ cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất (nâng cao sức đề kháng), bổ sung chất xơ giúp trẻ nhuận tràng, chống táo bón. Chất xơ còn có tác dụng chà răng, đồng thời thoa nắn cho nướu răng thêm mạnh và bền chắc.

Điều đặc biệt, khi thay răng sữa có thể trẻ sẽ không muốn ăn hay khó nhai, cha mẹ nên cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ bằng cách nấu cho con những thức ăn mềm hơn như cháo, súp…cho ăn các loại hoa quả mềm, chín hoặc có thể xay nhuyễn thành sinh tố.

- Cần chú ý thói quen xấu ở trẻ

Trong giai đoạn thay răng sẽ khiến trẻ khó chịu, rất có thể hình thành các thói quen xấu như mút ngón tay, cắn móng tay, cắn bút, chống cằm, đẩy lưỡi, nghiến răng, thở miệng… sẽ ảnh hưởng đến tình trạng mọc răng vĩnh viễn của trẻ. Do vậy, cha mẹ cần lưu ý nhắc nhở trẻ, loại bỏ những thói quen xấu này.

- Có cần đưa trẻ đến nha sĩ?

Nhiều cha mẹ nghĩ răng sữa sẽ không cần đến cơ sở y tế hay nha sĩ, có thể tự nhổ tại nhà. Tuy nhiên, trong quá trình thay răng ở trẻ em, các bậc phụ huynh không được tự ý nhổ răng. Thông thường trẻ được nhổ răng tại nhà hay nhổ bằng chỉ, việc làm này rất dễ gây chảy máu chân răng sau khi nhổ. Tạo nên một vết thương hở ở nướu răng. Nếu không giữ được vệ sinh tốt, sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào vết thương, có thể dẫn tới nhiễm trùng. Vì vậy, cha mẹ nên đưa trẻ đến nha khoa để bác sĩ lựa chọn việc nhổ hoặc tiếp tục chờ răng rụng.

Một số trường hợp đặc biệt như răng sữa không tự rụng đi, nhưng răng vĩnh viễn thay thế đã mọc lên, nha sĩ sẽ chủ động nhổ răng sữa để răng vĩnh viễn mọc vào đúng vị trí.

Tóm lại: Giai đoạn thay răng ở trẻ là giai đoạn rất quan trọng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng của hàm răng sau này. Cha mẹ nên theo dõi và hỗ trợ trẻ chăm sóc răng miệng tốt trong giai đoạn này, khi thấy trẻ lung lay răng cần đưa trẻ tới nha sĩ để được các bác sĩ thăm khám đánh giá có nên nhổ chưa? Trường hợp răng vĩnh viễn đã mọc lên nhưng răng sữa chưa lung lay, bác sĩ cần can thiệp chủ động nhổ răng để lấy chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên. Trường hợp răng lệch lạc nhiều gây mất khoảng để các răng sau mọc lên, bác sĩ có thể can thiệp chỉnh nha sớm cho trẻ.

Khi trẻ thay răng cha mẹ vẫn cần vệ sinh răng miệng cho trẻ. Nên dùng bàn chải lông mềm, tránh chải răng lên vùng bị thương trong vòng 24 giờ đầu. Có thể cho trẻ súc miệng với nước muối sinh lý.

Theo TS. BS Nguyễn Thị Châu/suckhoedoisong.vn - 18/04/2023

 https://suckhoedoisong.vn/phong-tranh-cac-benh-hay-gap-khi-thoi-tiet-nom-am-169230411104654273.htm