Các chuyên gia giáo dục cho rằng, bạo lực học đường có thể gây tổn thương tâm lý cho cả người có hành vi bắt nạt và người bị bắt nạt. Khi ảnh hưởng kéo dài sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, câu chuyện bạo lực học đường nếu kéo dài sẽ ngày càng phức tạp hơn và gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn.
Phân tích cụ thể, TS Tùng Lâm nêu nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường ở về phía học sinh là do đang ở tuổi thay đổi cả về tâm sinh lý, theo đó, nhận thức không ổn định, bị xáo động bởi nhiều tác động từ môi trường xung quanh. Và nếu người lớn không định hướng, giúp các em chủ được cảm xúc, làm chủ được suy nghĩ đúng đắn thì sẽ phát sinh vấn đề, trong đó có bạo lực.
“Khi hiểu cái gốc của vấn đề, chúng ta sẽ đặt ra yêu cầu cấp thiết là gia đình, nhà trường và xã hội phải hỗ trợ như thế nào để giải quyết và giảm thiểu những hành vi, suy nghĩ bạo lực của các em học sinh”, TS Tùng Lâm nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội)
Nghiên cứu về tâm lý giáo dục, các chuyên gia cho rằng phải giúp cho học sinh nhận thức được về việc phát triển cá nhân, năng lực sở trường, hoài bão, ước mơ… trong độ tuổi dạy thì, phát triển nhạy cảm. Với độ tuổi này, nhu cầu vật chất về ăn nghỉ, đảm bảo an toàn, giao tiếp là những nhu cầu cơ sở. Bên cạnh đó, việc được tôn trọng, được cống hiến và có giá trị trong xã hội cũng phải được quan tâm và hướng các em tới những nhu cầu này.
“Không thể chỉ tập trung đáp ứng đầy đủ nhu cầu trước mắt là những nhu cầu vật chất, mà chúng ta còn phải để các em thấy được giá trị con người, giá trị trí tuệ của mình trước bạn bè, gia đình và xã hội. Khi đó, các em sẽ tự có nhu cầu để phát triển đúng đắn và đúng hướng”, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam cho biết.
Cụ thể, TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất các nhà trường tập trung trang bị giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh. Đây là điều vô cùng quan trọng, bởi những giá trị yêu thương, tôn trọng và những kỹ năng sẽ giúp học sinh biết đàm phán, thương lượng và tìm cách giải quyết những mâu thuẫn của mình.
“Các em không nên có tâm lý thắng thua với bạn, mà phải cùng thắng, cùng phát triển. Do vậy, cả gia đình và nhà trường phải làm sao để truyền đạt, tạo điều kiện cho học sinh tự phát triển theo đúng những nguyện vọng, ước mơ của mình. Thực tế, gia đình và nhà trường đôi khi đã áp đặt lên sự phát triển của các em”, TS Tùng Lâm phân tích.
Cũng theo TS Tùng Lâm, giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường là điểm gốc, bên cạnh đó, xã hội cũng phải tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát triển khả năng của bản thân và làm chủ cuộc đời. Thực tế, học sinh luôn được nghe những định hướng “phải làm thế này, phải làm thế kia”, nhưng để thực hiện như thế nào, các em lại không được tư vấn cụ thể. Do vậy, nhà trường phải có các điều kiện, đầu tư cho phòng tham vấn học đường theo Chỉ thị của Bộ GD-ĐT. Song cũng phải đề cập vấn đề khó khăn về nhân lực và tài chính của các nhà trường trong vấn đề này, khi các phòng tư vấn đa phần ở các trường ngoài công lập. Do vậy, TS Tùng Lâm cho rằng vẫn cần thêm giải pháp răn đe đối với hành động bạo lực học đường.
Hình ảnh bạo lực học đường
“Phải có những cơ chế xử lý hành động bạo lực học được, có biện pháp răn đe để học sinh nhận thức được hành vi và phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Học sinh có hành vi bạo lực có thể phải lao động công ích, phải có thời gian để suy nghĩ về tác hại của việc mình làm… Bên cạnh giáo dục, phải có hình thức để chính trẻ em phải chịu trách nhiệm và gia đình cũng phải chịu trách nhiệm”, TS Tùng Lâm nêu ý kiến.
Đặc biệt, TS Tùng Lâm cho rằng, bạo lực học đường có thể gây tổn thương tâm lý cho cả người có hành vi bắt nạt và người bị bắt nạt. Khi ảnh hưởng kéo dài sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn: “Khi xảy ra sự việc, chúng ta mới đi tìm kiếm đâu là nguyên nhân, đâu là trách nhiệm. Điều này là cần thiết, nhưng cần thiết hơn cả giải quyết triệt để vấn đề đối với những đối tượng gây ra bạo lực và những đối tượng đang chịu bạo lực”./.
Theo Thiên Bình/VOV.VN - 30/03/2023
https://vov.vn/xa-hoi/phai-co-co-che-ran-de-voi-nguoi-co-hanh-vi-bao-luc-hoc-duong-post1016289.vov