Trong Chiến lược an ninh quốc gia mới cập nhật hồi tháng 12 năm ngoái, chính phủ Nhật Bản cam kết "thúc đẩy việc chuyển giao suôn sẻ các thiết bị và công nghệ quốc phòng có ý nghĩa an ninh cao."
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Nhật Bản tại thủ đô Tokyo. (Ảnh: Kyodo/ TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 25/4, hai đảng trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản, gồm đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Fumio Kishida và đảng Công minh, đã tổ chức cuộc họp đầu tiên để rà soát lại các quy tắc về chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng trong bối cảnh ngày càng có nhiều thành viên trong LDP kêu gọi Tokyo cần đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề an ninh toàn cầu.
Phát biểu tại cuộc họp, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera, người đứng đầu Ban Nghiên cứu về an ninh quốc gia của LDP, bày tỏ hy vọng các cuộc thảo luận giữa hai đảng sẽ đưa ra hướng đi cụ thể cho các vấn đề liên quan đến việc chuyển giao các thiết bị quốc phòng.
Hai đảng dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức cuộc họp thứ hai về vấn đề này sau kỳ nghỉ lễ dài ngày vào cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.
Trước đó, trong Chiến lược an ninh quốc gia mới cập nhật hồi tháng 12 năm ngoái, chính phủ Nhật Bản cam kết "thúc đẩy việc chuyển giao suôn sẻ các thiết bị và công nghệ quốc phòng có ý nghĩa an ninh cao" và "xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng vững mạnh và bền vững."
Vì vậy, ban đầu, LDP đặt mục tiêu sửa đổi các nguyên tắc về chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng trước Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Hiroshima vào trung tuần tháng 5.
Tuy nhiên, nhiều khả năng các cuộc thảo luận giữa hai đảng sẽ không thể kết thúc trước sự kiện đó do đảng Công minh đề nghị thảo luận vấn đề này một cách thận trọng mặc dù trong quá trình sửa đổi Chiến lược An ninh quốc gia, LDP và đảng Công minh đã nhất trí về sự cần thiết của việc nới lỏng các nguyên tắc này.
Đảng Công minh lo ngại rằng việc cho phép bán vũ khí cho các nước khác sẽ làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột vũ trang và đi ngược lại chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản.
Chỉ dẫn về 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản quy định chỉ được phép xuất khẩu thiết bị phòng vệ sang một số quốc gia nhất định. Mục đích xuất khẩu vũ khí cũng được giới hạn trong 5 lĩnh vực cụ thể là cứu nạn, vận chuyển, cảnh báo, giám sát và làm sạch biển.
Kể từ khi ban hành 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí vào năm 2014, các doanh nghiệp Nhật Bản mới chỉ ký kết được 1 hợp đồng bán radar phòng không cho Philippines năm 2020.
Trong nội bộ chính phủ và đảng cầm quyền Nhật Bản có ý kiến cho rằng cần mở rộng đối tác xuất khẩu vũ khí là các quốc gia có quan hệ tốt, có hợp tác về mặt phòng vệ với Nhật Bản, đồng thời bổ sung thêm mục đích xuất khẩu vũ khí là nhằm loại bỏ mìn và phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện.
Việc điều chỉnh 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí được chính phủ Nhật Bản đề cập trong Chiến lược an ninh quốc gia thông qua tháng 12/2022./.
Theo Đào Thanh Tùng (TTXVN/Vietnam+) - 26/04/2023
https://www.vietnamplus.vn/lien-minh-cam-quyen-nhat-ban-thao-luan-viec-noi-long-xuat-khau-vu-khi/859323.vnp