Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ, coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Người khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Tư tưởng đó của Người vẫn luôn là “kim chỉ nam” trong công tác cán bộ để các cấp ủy Đảng áp dụng khi chọn lựa, đánh giá và sử dụng nhân tài.
Người đánh giá cao vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức trong sự nghiệp cách mạng và chỉ rõ: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Cán bộ là những người đem đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ giải thích cho Nhân dân hiểu rõ và thi hành, đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo lại cho Đảng, Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Và trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, người đứng đầu phải: hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ, có như vậy mới bố trí và sử dụng đúng cán bộ. Muốn đánh giá đúng cán bộ phải căn cứ vào những chuẩn mực nhất định, những chuẩn mực đó có thể thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn, từng thời kỳ cách mạng.
Học tập và làm theo Bác, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, cùng với đó, công tác cán bộ được đề cao: “đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Công tác cán bộ luôn được Vĩnh Phúc coi là then chốt của then chốt. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định: “Đột phá trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy, trước hết là đổi mới trong đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, coi kết quả đánh giá cán bộ là tiêu chí quan trọng nhất để thực hiện quy hoạch, điều động, bổ nhiệm”.
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ; xây dựng bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định mới về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.
Quy trình công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý đội ngũ cán bộ các cấp, gắn liền với tiêu chuẩn, chức danh và quy hoạch cán bộ được quan tâm, chú trọng và đầu tư tương xứng.
Công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được chú trọng đổi mới, gắn với nhu cầu thực tiễn. Những cán bộ được điều động, luân chuyển cơ bản phù hợp, đáp ứng với yêu cầu được giao và khẳng định năng lực lãnh đạo, quản lý bằng những kết quả cụ thể.
Tất cả những giải pháp này đang được thực hiện đồng bộ, quyết liệt để Vĩnh Phúc xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự là công bộc của Nhân dân. Đặc biệt, để sử dụng cán bộ phù hợp với năng lực và nhiệm vụ, những người làm công tác cán bộ của Vĩnh Phúc đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về "hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ". Bên cạnh việc lựa chọn cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt; lấy năng lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ làm thước đo để đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, thì đó cũng là căn cứ để mỗi cán bộ tự đánh giá được bản thân và có phương pháp hướng giải cho việc phấn đấu theo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Xem xét, đánh giá đúng cán bộ thực sự là công việc khó khăn, song không có nghĩa là không làm được. Quan trọng là những người làm công tác cán bộ phải thực sự gương mẫu, có những chủ trương, chính sách đúng đắn với cách thức, phương pháp phù hợp. Có như vậy thì mới hiểu biết đúng cán bộ và là cơ sở để giúp cho công việc sử dụng cán bộ phù hợp, phát huy được phẩm chất và năng lực của người cán bộ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ngày 22/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 371 về việc giao nhiệm vụ đánh giá cán bộ bằng sản phẩm. Thực chất của chủ trương này là Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó, có tiêu chí giải quyết những việc khó, “điểm nghẽn” tồn tại từ nhiều năm, gây bức xúc dư luận. Kết quả thực hiện nhiệm vụ là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại cán bộ hằng năm, làm cơ sở để quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, sử dụng và bố trí cán bộ theo đúng năng lực, trình độ. Với tư duy, cách làm này, ngay sau khi áp dụng, Vĩnh Phúc trở thành địa phương tiên phong trong cả nước về đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Năm 2022, toàn ngành Tổ chức của tỉnh đã tham mưu bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ ứng cử đối với 254 lượt cán bộ, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, sau khi có kết luận đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đối với số cán bộ, đảng viên này.
Năm 2023, BTV Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ đối với người đứng đầu đảm bảo sát, đúng, phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị địa phương.
Phúc Yên là một địa phương triển khai công tác cán bộ đạt hiệu quả cao bởi mọi nhiệm vụ liên quan đến công tác này đều được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng. Việc giới thiệu nhân sự quy hoạch đảm bảo quy trình, cán bộ được quy hoạch đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, luân chuyển, điều động cán bộ được thực hiện theo đúng quy trình quy định, cán bộ được điều động, luân chuyển đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Việc luân chuyển, điều động cán bộ trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho cán bộ có môi trường để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện; tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín; góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Cán bộ, đảng viên được bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, luân chuyển, điều động đều được thẩm định, kết luận tiêu chuẩn chính trị và đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định. Việc đánh giá cán bộ đảm bảo khách quan, dân chủ, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, công tác đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của Phúc Yên đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định và đổi mới, phát triển; gắn đổi mới tổ chức bộ máy, đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế và cải cách chế độ tiền lương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút người có đức, có tài; tinh gọn bộ máy gắn với hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ luôn gắn với công tác quy hoạch cán bộ và thường xuyên được quan tâm tạo điều kiện.
Bằng lòng nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chỉ một thời gian ngắn đồng chí Vũ Huy Cường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Phường Nam Viêm,T Phúc Yên đã am hiểu về nhiệm vụ chính của mình ở đơn vị. Cùng Đảng ủy phường căn cứ vào Quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Thành ủy đã phát động các chi bộ, đảng viên đăng ký thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với tình hình thực tế của các chi bộ, khuyến khích được các chi bộ và cá nhân đảng viên thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vvận dụng tốt tư tưởng của Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ, nhất là đánh giá và sử dụng cán bộ sẽ là tiền đề để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, của dân vì dân.
Bích Hằng