Cập nhật: 03/04/2025 20:35:00
Xem cỡ chữ

Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, là đòi hỏi tất yếu nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy; đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước giai đoạn hiện nay.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Vĩnh Phúc tạo sự thống nhất về nhận thức cũng như hành động, với quyết tâm chính trị cao và đã đạt những kết quả bước đầu quan trọng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu của “cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy”.

Thực hiện tinh thần của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư: “vừa chạy vừa xếp hàng”, “càng làm sớm càng có lợi cho Nhân dân, cho đất nước”, Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng các đề án sắp xếp bộ máy, đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tiến hành thực hiện “cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy” một cách toàn diện. 

Vĩnh Phúc là một trong những địa phương đầu tiên cả nước tiến hành hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy thành Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; thành lập Đảng bộ Các cơ quan Đảng tỉnh và Đảng bộ Ủy ban nhân dân tỉnh; sáp nhập các sở, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

Đảng bộ Ủy ban Nhân dân tỉnh được thành lập ngày 03/2/2025. Ngay sau khi thành lập, Ban Thường vụ Đảng ủy đã giao cho Ban Tổ chức Đảng ủy tham mưu sắp xếp để tổ chức cơ sở Đảng phù hợp với tổ chức bộ máy của các sở ban ngành thực hiện việc sắp xếp. Theo đó, có 7 tổ chức đảng được sắp xếp lại, hợp nhất các cơ quan, giảm từ 52 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ xuống còn 45 tổ chức cơ sở đảng. Các tổ chức đảng đã phát huy vai trò lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, không để bị gián đoạn trong quá trình sáp nhập, hợp nhất.

Quá trình sáp nhập, các sở, ban, ngành được nghiên cứu, bàn bạc kĩ lưỡng; thực hiện một cách khách quan, dân chủ, khoa học. Vĩnh Phúc đã tạo được sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị thực hiện sắp xếp. 

Giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện hợp nhất đã chủ động trao đổi, xây dựng đề án sắp xếp bộ máy, khắc phục triệt để việc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các phòng, ban, đơn vị trực thuộc. Do đó, ngay sau khi hợp nhất, các sở ban ngành nhanh chóng vận hành theo cơ cấu tổ chức mới, đảm bảo chức năng, nhiệm vụ được thực hiện thông suốt, hiệu quả.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Vĩnh Phúc được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Sở Tài nguyên và Môi trường. Sau khi hợp nhất đã giảm được 14 đầu mối các phòng chuyên môn thuộc Sở và đơn vị trực thuộc, tương ứng giảm hơn 48%. 

Cùng với đó, Sở đã thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và tinh giản biên chế trên cơ sở khách quan, dân chủ; đồng thời, đánh giá năng lực, phẩm chất của cán bộ để thống nhất bố trí vào từng vị trí phù hợp. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở vị trí công tác trong cơ quan sau sắp xếp cũng xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, phấn đấu rèn luyện, nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong giai đoạn mới.

Sau quá trình sắp xếp, đến nay, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh còn 13 sở, ngành, giảm 6 sở, ngành. Vĩnh Phúc đã kiện toàn tổ chức, nhân sự, xử lí trụ sở, tài sản, tài chính, ngân sách của các cơ quan sau sắp xếp hoạt động ổn định, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Bám sát Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, một trong những nội dung quan trọng trong đó là xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục xây dựng đơn vị hành chính cấp xã; thực hiện mô hình địa phương hai cấp, Vĩnh Phúc đã và đang quán triệt, triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, các lực lượng; xác định rõ lộ trình; tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với “cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy”. 

Trước đó, ngay từ ngày đầu tiên của năm 2025, Vĩnh Phúc đã hoàn thành việc sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Đến nay, các cấp ủy, chính quyền cùng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã nhận thức sâu sắc việc sắp xếp tinh gọn bộ máy là tất yếu để xây dựng hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, vì sự phát triển bền vững của tỉnh và đất nước.

Kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách theo các Nghị định của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Vĩnh Phúc đã tạo được sự đồng thuận lớn đối với người nghỉ hưu trước tuổi. Đã có hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các cơ quan nhà nước còn thời gian làm việc dưới 10 năm tự nguyện viết đơn xin nghỉ hưu sớm để tạo thuận lợi cho công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy của tỉnh.

Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, bước vào kỉ nguyên phát triển - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Giai đoạn 2025-2030 là thời kì cơ hội quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm thành lập nước. 

Với tinh thần chủ động, quyết tâm, quyết liệt, các cấp ủy, chính quyền Vĩnh Phúc đã và đang hiện thực hóa mục tiêu của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy chính trị hướng đến xây dựng, tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng là nền tảng quan trọng để Vĩnh Phúc phấn đấu tăng trưởng kinh tế 2 con số năm 2025, tạo sự phát triển đồng bộ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Tuyết Minh