Ngành Y tế Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh toàn diện công tác chuyển đổi số, từ hạ tầng thông tin, hoạt động quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe, chữ ký số cá nhân cho đến khám, chữa bệnh từ xa. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công cuộc chuyển đổi số đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 57- NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Sở Y tế Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng Kế hoạch về thực hiện phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của ngành Y tế.
Cấp ủy Đảng ngành Y tế tỉnh xác định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong lộ trình phát triển, nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Y tế tiến tới xây dựng y tế thông minh là một trong ba nhiệm vụ quan trọng trong tổng thể các lĩnh vực phát triển của ngành.
Ngay từ đầu năm 2025, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế đã giao nhiệm vụ cho thành viên Ban Giám đốc Sở Y tế, Trưởng các phòng chuyên môn, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở Y tế trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiệm vụ triển khai Bệnh án điện tử đối với các cơ sở khám, chữa bệnh còn lại của ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thành trước ngày 31/8/2025. Song song với đó, Sở tiếp tục đẩy mạnh triển khai, ứng dụng các dịch vụ, giải pháp phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ số trong lĩnh vực y tế.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những đơn vị đi đầu về thực hiện chuyển đổi số của ngành Y tế tỉnh. Từ tháng 11/2023, Bệnh viện Đa khoa đã sử dụng bệnh án điện tử; đồng thời, việc sử dụng bệnh án điện tử của Bệnh viện cũng được đăng tải trên cổng thông tin của Bộ Y tế. Hệ thống thông tin quản lí bệnh viện thông minh giúp Lãnh đạo Bệnh viện kịp thời nắm bắt các thông tin hoạt động tại đơn vị. Bệnh viện đã phối hợp Bảo hiểm xã hội triển khai thành công 100% kết nối liên thông giữa Bệnh viện với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội. Tích cực thực hiện chuyển đổi số đã mang lại những hiệu quả thiết thực, tạo thuận lợi lớn cho Bệnh viện trong công tác quản lí, điều hành và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Trong 3 tháng đầu năm 2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có gần 15.000 lượt người đăng kí khám online qua Web, Hotline của Bệnh viện. Tổng số tiền thanh toán không sử dụng tiền mặt hơn 20,6 tỉ đồng. Việc đặt lịch đăng kí khám bệnh đã tạo sự khoa học trong việc sắp xếp các công tác khám chữa bệnh, giảm áp lực cho cán bộ y tế vào giờ cao điểm và đặc biệt giúp người dân chủ động về thời gian đến khám bệnh. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện đã tích cực học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để làm chủ công nghệ, đáp ứng thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay thế cho in phim, lưu trữ thông tin xét nghiệm (LIS) thay cho in giấy. Kết quả xét nghiệm, lâm sàng được đưa lên hệ thống truyền dữ liệu, chuyển đến các khoa, phòng. Đồng thời, Bệnh viện bước đầu triển khai khám chữa bệnh từ xa trên nền tảng Vtelehealth. Điều này không chỉ giúp đội ngũ cán bộ, y bác sĩ nhanh chóng, thuận tiện trong khám, điều trị cho bệnh nhân mà còn kịp thời hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân trong những tình hống khẩn cấp.
Chuyển đổi số ngành Y tế tỉnh đang được đẩy mạnh thực hiện trong toàn ngành. Đến thời điểm hiện tại, Vĩnh Phúc có 06 bệnh viện và Trung tâm Y tế đã công bố triển khai Hồ sơ bệnh án điện tử đáp ứng theo Thông tư 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 và được Bộ Y tế công nhận đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ. Song song với đó, Sở Y tế đã triển khai thực hiện tốt các mô hình thuộc Đề án 06/CP trong hỗ trợ quản lý khám bệnh, chữa bệnh như thanh toán không sử dụng tiền mặt, tiếp nhận khám chữa bệnh bằng CCCD và VNeID, triển khai trích chuyển dữ liệu khám chữa bệnh lên Hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID và quản lý lưu trú ASM..., đã hỗ trợ tối đa sự tiện lợi, giảm tải thủ tục hành chính cho người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
Ông Đinh Văn Đức ở phường Hùng Vương, thành phố Phúc Yên thường xuyên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Phúc Yên. Không cần phải chuẩn nhiều giấy tờ cần thiết cũng như phải xếp hàng chờ đợi đăng kí khám như trước, giờ đây, ông chỉ việc vào app của Bệnh viện và thực hiện một số thao tác trên điện thoại tại nhà là có thể đến khám theo đúng lịch hẹn, đồng thời có thể được tư vấn sức khỏe tại nhà khi có nhu cầu.
Bệnh viện Đa khoa Khu vực Phúc Yên hiện đã đầu tư hệ thống trang thiết bị, ứng dụng triển khai Bệnh án điện tử trên cổng thông tin của Bộ Y tế và cổng thông tin điện tử của Vĩnh Phúc. Hệ thống bệnh viện gồm có 09 module: Hệ thống, ngoại trú, nội trú, viện phí và bảo hiểm, cận lâm sàng, dược, báo cáo và tra cứu, danh mục, quản trị hệ thống…cho phép người dùng có thể thao tác online và quản lí được hoàn toàn công tác khám bệnh, chữa bệnh, thanh quyết toán với BHYT một cách thuận tiện. Quá trình trao đổi thông tin chỉ định và trả kết quả xét nghiệm luôn thông suốt. Cùng với đó, Bệnh viện triển khai các nền tảng số Y tế như: Phần mềm kê đơn thuốc quốc gia, tính đến nay, Bệnh viện đã triển khai được gần 336.000 đơn thuốc; từng bước ứng dụng các phần mềm khám chữa bệnh từ xa.
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, công tác chuyển đổi số trong Ngành Y tế Vĩnh Phúc còn gặp không ít khó khăn: chi phí dành cho hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin cao; hạ tầng công nghệ thông tin tại các đơn vị chưa được đầu tư đồng bộ...
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, ngành Y tế Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của các cấp về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; giao trách nhiệm cụ thể đến từng cán bộ, đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh.
Toàn ngành phấn đấu tiến tới 100% các cơ sở y tế thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, khám chữa bệnh từ xa, xây dựng các dữ liệu chuyên ngành và xây dựng được kho dữ liệu y tế dùng chung, phục vụ cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân trên địa bàn tỉnh.
Tuyết Minh