Các học giả có nhiều quan điểm trái chiều về việc liệu Hiến pháp Mỹ có cho phép tổng thống vô hiệu hóa trần nợ công hay không, nếu Quốc hội quyết định không tăng trần nợ.
Bế tắc về trần nợ công một lần nữa làm dấy lên tranh cãi về Tu chính án 14 của Hiến pháp Mỹ. Một số luật sư lập luận rằng, Tu chính án thứ 14 cho phép Tổng thống Biden đơn phương thanh toán các khoản nợ của quốc gia mà không cần quan tâm đến các yêu cầu của đảng Cộng hòa. Trong khi đó, một số người khác nói rằng ý tưởng đó về cơ bản đã diễn giải sai Hiến pháp.
Vậy Tu chính án 14 quy định điều gì và vì sao nó xuất hiện trong các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo về các cuộc đàm phán liên quan tới trần nợ công tại Nhà Trắng hôm 17/5/2023. Ảnh: Getty
Tu chính án 14 quy định những gì?
Được phê chuẩn vào năm 1868, Tu chính án 14 thường được biết đến với nội dung mở rộng quyền công dân đối với những người từng là nô lệ và đảm bảo “sự bảo vệ sự bình đẳng trước pháp luật”. Tuy nhiên, nó cũng bao gồm một phần tối nghĩa và gây nhiều tranh cãi, đó là yêu cầu chính phủ trả nợ.
Mục 4 trong Tu chính án 14 nêu rõ: “Tính hợp lệ của những khoản nợ công của Mỹ, vốn được luật pháp đảm bảo… sẽ không thể bị nghi ngờ”.
Mục 4 đã được thêm vào để giải quyết các khoản nợ phát sinh trong cuộc Nội chiến.
Giới chuyên gia pháp lý lập luận rằng theo câu chữ của Tu chính án 14, việc Mỹ vỡ nợ sẽ là điều vi hiến. Do đó, tổng thống có nghĩa vụ vô hiệu hóa trần nợ công nếu Quốc hội quyết định không tăng trần nợ.
Một số thành viên đảng Dân chủ cho rằng Tu chính án 14 cho phép Tổng thống Biden bỏ qua nỗ lực của các nhà lập pháp đảng Cộng hòa trong việc đặt ra điều kiện để thanh toán các khoản nợ đã phát sinh. Họ lập luận rằng, với tư cách là Tổng thống, ông Biden có nhiệm vụ đảm bảo trả các khoản nợ của chính phủ, do đó ông có quyền tiếp tục vay tiền để trả nợ ngay cả khi Quốc hội không chấp thuận.
Sử dụng Tu chính án 14 có hợp pháp không?
Theo nhà sử học pháp lý Garrett Epps, người đề xuất chiến lược viện dẫn Tu chính án 14 để giải quyết vấn đề trần nợ công từ sớm, Tòa án Tối cao chưa bao giờ giải quyết quan điểm về Tu chính án 14, quan điểm mà chỉ trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây đã chuyển từ “ngoại vi” sang “chủ lưu”.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết bà nghi ngờ hiệu quả của Tu chính án 14 trong việc giải quyết tình trạng bế tắc về trần nợ công hiện nay.
Một số chuyên gia cho rằng, viện dẫn Tu chính án 14 để vượt trần nợ là hoàn toàn vi hiến. Trong hệ thống hiến pháp của Mỹ, quốc hội nắm ngân sách và kiểm soát chi tiêu của chính phủ. Việc cho phép cơ quan hành pháp phát sinh nợ mà không có sự chấp thuận của Quốc hội là vi phạm sự phân chia quyền lực này.
Các học giả khác cho rằng ông Biden sẽ không vượt quá thẩm quyền của mình mà chỉ đơn giản là đảm bảo các cam kết chi tiêu của chính Quốc hội được tôn trọng.
“Quốc hội có quyền lực đối với ngân sách. Nhưng có những giới hạn hiến pháp đối với cách thức Quốc hội thực thi quyền lực của mình và việc sử dụng nó để hủy bỏ những cam kết của chính mình là điều không được phép”, bà Anna Gelpern, Giáo sư luật Georgetown nói.
Tổng thống Biden nói gì về Tu chính án 14?
Tổng thống Biden đã lên tiếng ủng hộ chiến lược Tu chính án thứ 14 và lo ngại về tính thực tiễn của nó.
“Tôi đang xem xét Tu chính án thứ 14 để xem liệu chúng tôi có thẩm quyền hay không. Tôi nghĩ chúng tôi có thẩm quyền. Câu hỏi đặt ra là, liệu nó có thể được thực hiện và viện dẫn kịp thời để không bị kiện cáo và hậu quả là đã quá thời hạn chót mà vẫn không trả được nợ. Đó là câu hỏi mà tôi nghĩ là chưa có lời giải”, ông Biden nói với các phóng viên hôm 21/5.
Nếu Tổng thống Biden viện dẫn Tu chính án 14 và vượt quá mức trần nợ công, đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ khởi kiện. Khó có khả năng những thách thức pháp lý như vậy sẽ được giải quyết trước ngày 1/6, thời điểm mà bà Yellen nói rằng chính phủ Mỹ sẽ không thể thanh toán tất cả các hóa đơn của mình.
Ông David Kamin, từng là Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng trong giai đoạn đầu của chính quyền Biden, cho rằng, chiến lược viện dẫn Tu chính án 14 đi kèm với những rủi ro và nhược điểm.
“Mặc dù tôi nghĩ có những lập luận mạnh mẽ xung quanh Tu chính án 14, nhưng nó không đem lại một giải pháp rõ ràng liên quan đến việc Quốc hội làm những gì họ nên làm và thực sự nâng trần nợ công”, ông Kamin, hiện là giáo sư tại trường luật của Đại học New York, nhận định.
Chưa từng có tiền lệ viện dẫn Tu chính án 14 để vượt trần nợ công
Chưa từng có tổng thống nào của Mỹ sử dụng Tu chính án 14 để giải quyết vấn đề trần nợ công. Tuy nhiên chiến lược này đã từng được đưa ra bàn thảo vào năm 2011, khi ông Barack Obama (đảng Dân chủ) là Tổng thống và các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã tận dụng các cuộc đàm phán về trần nợ công để buộc chính phủ cắt giảm chi tiêu.
Thời điểm đó, cựu Tổng thống Bill Clinton nói rằng, nếu ở hoàn cảnh của ông Obama, ông sẽ viện dẫn Tu chính án 14. Tuy nhiên, ông Obama do dự trong vấn đề này và thực tế đã không dùng đến nó. Cuối cùng, Mỹ đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công vào đúng ngày chính phủ hết tiền./.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) - 23/05/2023
Theo WSJ
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tong-thong-biden-co-the-dung-tu-chinh-an-14-giai-quyet-van-de-tran-no-cong-post1021952.vov