Là loại cây trồng chịu hạn, thích nghi với đất đồi sỏi đá, ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc và ra quả quanh năm, nhiều năm nay, cây thanh long ruột đỏ đã trở thành cây trồng chủ lực giúp nhiều người dân ở xã Tân Lập, huyện Sông Lô vươn lên làm giàu, mở ra hướng phát triển kinh tế mới ở địa phương.
Nhờ đầu tư thâm canh, áp dụng quy trình chăm sóc hợp lý nên vườn thanh long ruột đỏ của gia đình bà Nguyễn Thị Tuy, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp xã Tân Lập, huyện Sông Lô luôn cho ra quả thanh long đỏ tươi, ngọt, mẫu mã đẹp, được thương lái đến tận vườn thu mua mang đi tiêu thụ khắp trong và ngoài tỉnh. Gia đình bà Tuy có 2.000 trụ thanh long, mỗi năm cho thu khoảng 20 tấn quả với doanh thu gần 100 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng các loại cây khác trên những mảnh đồi khô cằn nơi đây.
Những năm gần đây, cây thanh long không chỉ phát triển mạnh trên địa bàn huyện Lập Thạch mà còn được nhân rộng ra các địa phương lân cận ở huyện Sông Lô, trong đó có xã Tân Lập. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây thanh long ruột đỏ, hợp tác xã dịch vụ tổng hợp xã Tân Lập đã khuyến khích các thành viên cải tạo đất đồi, tham mưu UBND xã quy hoạch diện tích đất phù hợp phát triển cây thanh long; phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo, tham quan mô hình, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trong thời gian tới, UBND xã Tân Lập tiếp tục khuyến khích các hộ dân cải tạo đất đồi, mở rộng diện tích trồng thanh long cũng như áp dụng tiêu chuẩn VietGap trong quá trình trồng, chăm sóc, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí sản phẩm OCOP, tăng cường phối hợp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thanh long ruột đỏ./.
Đặng Thưởng