Cập nhật: 21/07/2023 08:20:00
Xem cỡ chữ

Nhiều cha mẹ thấy con đã dậy thì cho rằng không thể tăng chiều cao được nữa, bởi chiều cao của trẻ chỉ tăng nhanh ở tuổi dậy thì và trước đó. Điều này không hoàn toàn đúng, thực tế cho thấy trẻ vị thành niên sau giai đoạn dậy thì vẫn có thể tăng chiều cao được nếu thực hiện 6 điều sau.

Phát triển chiều cao của trẻ được chia làm 3 giai đoạn. Đó là giai đoạn 3 năm đầu đời, giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. Trong đó:

Thời gian trẻ phát triển chiều cao đột biến là giai đoạn tiền dậy thì, có thể đạt trên 10cm/năm.

Ở độ tuổi từ 11- 14 tuổi: Trẻ tăng từ 3 - 5cm/năm.

Ở độ tuổi từ 17 – 18 tuổi: Trẻ cao khoảng 1 - 2cm/năm.

Giai đoạn sau 18 tuổi: Trẻ có thể tăng chiều cao nhưng chậm và không đáng kể.

Điều này có nghĩa khi trẻ đã dậy thì, thì giai đoạn tăng trưởng chiều cao nhanh đã qua. Tuy nhiên, nếu trẻ tuân thủ luyện tập, chế độ ăn uống khoa học… thì vẫn có thể cải thiện được chiều cao của mình. Dưới đây là những bí quyết cha mẹ cần biết:

1. Chế độ ăn đầy đủ khoa học

Chế độ ăn có mức độ ảnh hưởng rất lớn đến chiều cao của trẻ. Việc dinh dưỡng khoa học tối ưu sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao tối đa. Vì vậy, cha mẹ hãy cho con ăn đầy đủ các nhóm chất bột đường (chiếm khoảng 65% tổng năng lượng), chất béo (chiếm khoảng 10% tổng năng lượng), chất đạm (chiếm khoảng 15% tổng năng lượng), vitamin & khoáng chất. Trong đó, đặc biệt chú trọng các món ăn, thực phẩm thúc đẩy sự phát triển của xương, giúp xương chắc khỏe như:

- Các món ăn giàu đạm (cá, thịt trắng, sữa, đậu nành, đậu hũ, rong biển, tôm…)

- Thực phẩm chứa nhiều canxi (các loại rau cải xanh, sữa và các chế phẩm từ sữa…)

- Thực phẩm chứa nhiều kẽm (hạt bí, đậu phộng, cua tôm, hàu…)

- Thực phẩm chứa nhiều vitamin D (cá, các loại nấm và ánh nắng mặt trời…)

Điều quan trọng cần cho trẻ ăn thực phẩm cân bằng, đa dạng. Để đảm bảo trẻ không bị mất cân bằng dinh dưỡng, cha mẹ nên cho trẻ ăn cân bằng, phong phú các nhóm chất trong 3 bữa chính. Đồng thời, nên tăng cường cho trẻ ăn thêm 2 - 3 bữa phụ, trong đó bữa sáng là quan trọng, không được bỏ bữa. Có thể ăn bún, mì, phở, cháo...

Bữa trưa, bữa tối phải đảm bảo các thực phẩm thịt, cá, rau xanh, trái cây. Ngoài ra, ở các bữa phụ trẻ cần được uống sữa, chế phẩm từ sữa, nước trái cây... để tăng cường vitamin, nhằm cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, điều này rất tốt đối với trẻ trong lứa tuổi phát triển chiều cao. Sữa bổ sung canxi và tăng cường vitamin D hiệu quả, theo đó, chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích cha mẹ nên bổ sung 2 - 3 ly sữa tăng chiều cao cho trẻ mỗi ngày, cần bổ sung thêm kẽm, vitamin D để giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn.

Ngoài ra, ưu tiên các thực phẩm chứa canxi, vitamin D3... giúp hỗ trợ tăng chiều cao tối ưu.

6 bước để tăng chiều cao cho trẻ vị thành niên  - Ảnh 2.

Chiều cao của trẻ ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, đó là: Dinh dưỡng, di truyền, rèn luyện thể lực, giấc ngủ, môi trường sống… Ảnh minh họa

2. Tăng cường tập luyện thể dục thể thao

Việc phát triển chiều cao tối ưu không thể thiếu luyện tập thể thao, vì vậy, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ luyện tập thể thao, vận động thể dục đều đặn. Điều này là một trong những cách tăng chiều cao ở cả trẻ nữ và trẻ nam, rất hiệu quả và an toàn.

Theo đó, mỗi ngày cha mẹ nên khuyến khích trẻ dành từ 30 - 45 phút cho việc luyện tập các bài tập giúp hỗ trợ tăng chiều cao như: Nhảy cao, nhảy dây, hít xà đơn co đầu gối, đu xà, bơi lội, chơi bóng rổ, đạp xe…

3. Cần chú ý tư thế khi học tập và trong sinh hoạt

Các tư thế sinh hoạt sai không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao của trẻ, lâu dần có thể dẫn đến các bệnh lý về cơ xương khớp. Chính vì vậy, khi trẻ học bài, xem ti vi, sử dụng điện thoại thông minh, máy tính… mà tư thế ngồi đúng sẽ giữ cho cột sống luôn thẳng, không bị đè nén, giúp xương phát triển tối đa, nhờ đó sẽ tăng được chiều cao cho trẻ. Vì vậy, cha mẹ hãy nhắc nhở trẻ:

- Giữ lưng thẳng, vai mở rộng khi đi, đứng, ngồi. Tư thế đi đúng là đầu luôn thẳng hướng về trước.

- Không khom lưng, gù lưng khi đứng/ngồi.

- Không ngồi co chân lên ghế hoặc bắt chéo chân thường xuyên.

4. Cần hoạt động ngoài trời

Ngày nay, trẻ có quá nhiều các trò chơi trong nhà như xem ti vi, máy tính, điện thoại… thậm chí luyện tập thể thao cũng ở trong nhà, nên việc hoạt động ngoài trời càng hạn chế. Điều này dẫn đến trẻ không được tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Trong khi ánh nắng mặt trời lúc sáng sớm là một trong những nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên và tốt nhất cho cơ thể. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ hiệu quả canxi trong chế độ ăn hàng ngày, thúc đẩy sự phát triển của xương và cơ bắp.

Nhiều nghiên cứu cho thấy ở lứa tuổi dậy thì, đặc biệt các bé gái thường xảy ra tình trạng thiếu vitamin D, dẫn đến chiều cao bị hạn chế. Vì vậy, tăng cường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng được xem là một trong những cách tăng chiều cao cho trẻ.

Do mùa hè ánh nắng chói chang từ rất sớm, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ luyện tập thể dục ngoài trời sớm hơn, điều này sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu.

6 bước để tăng chiều cao cho trẻ vị thành niên  - Ảnh 3.

Chế độ ăn có mức độ ảnh hưởng rất lớn đến chiều cao của trẻ.

5. Tránh ăn thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều chất bảo quản, nước ngọt có ga

Ngày nay, trẻ em rất thích đồ ăn nhanh, các thực phẩm sẵn có như: Bánh ngọt, bánh pizza, các loại nước uống chứa nhiều chất phụ gia… dẫn đến tình trạng trẻ bị thiếu hụt vitamin, nhưng thừa chất béo. Điều này sẽ khiến trẻ không phát triển được chiều cao tối ưu. Vì vậy, bên cạnh tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, cha mẹ không nên cho trẻ ăn những thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe, kìm hãm tốc độ tăng trưởng của xương và sự phát triển thể chất của trẻ như: Bánh ngọt, bánh pizza, các loại nước uống có gas, các loại thực phẩm chế biến sẵn…

6. Cần ngủ đủ giấc, đúng giờ

Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ nên nhắc nhở và rèn cho trẻ thói quen đi ngủ sớm, ngủ đúng giờ. Tuy nhiên, ở lứa tuổi vị thành niên, đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc thường khó khăn hơn. Việc học tập quá tải, trẻ ngủ phòng riêng nên cha mẹ không quản lý được, trẻ cũng đã lớn hơn nên thường ham chơi với các thiết bị giải trí như điện thoại, máy tính, ti vi… Chính vì lẽ đó nên trẻ sẽ bị thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc, không sâu giấc, không đúng giờ… và thường thức dậy muộn vào sáng hôm sau, nhất là tình trạng trẻ đang được nghỉ hè như hiện nay. Khi dậy muộn đồng nghĩa với việc trẻ bỏ bữa sáng, không luyện tập thể thao. Do đó, cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở để trẻ đi ngủ sớm, ngủ đúng giờ.

Việc đi ngủ trước 22 giờ đêm và ngủ ít nhất từ 8 tiếng sẽ giúp hormone tăng trưởng do tuyến yên sản xuất nhiều nhất, điều này sẽ thúc đẩy chiều cao ở trẻ phát triển. Do đó, việc ngủ đủ giấc và ngủ sâu giấc với trẻ rất quan trọng và cần được nghiêm túc thực hiện.

Để đảm bảo trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ và có giấc ngủ chất lượng, trước khi đi ngủ cha mẹ không nên cho trẻ uống nước ngọt hay các chất kích thích như cafe, trà... vì có thể khiến trẻ trằn trọc, khó ngủ. Đồng thời yêu cầu trẻ từ bỏ thói quen chơi game, lướt web, xem phim… trước khi đi ngủ, thay vào đó nên cho trẻ nghe một bản nhạc dịu nhẹ.

Theo BS Nguyễn Thị Bích/suckhoedoisong.vn - 19/07/2023

 https://suckhoedoisong.vn/6-buoc-de-tang-chieu-cao-cho-tre-vi-thanh-nien-169230717215810842.htm