Hiện nay, tại khu vực nông thôn, tình trạng thả rông gia súc diễn ra khá phổ biến, điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, mà còn là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.
Khu vực cầu Bì La, thuộc thôn Đồng Ích, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, hằng ngày vào buổi sáng sớm và chiều tối không khó để bắt gặp hàng đàn gia súc như trâu, bò “vô tư” đi lại, có lúc chiếm hết cả phần đường. Đáng nói, tuyến đường này có lượng phương tiện lưu thông qua lại hằng ngày rất lớn, song do “vướng” đàn gia súc nên các phương tiện phải giảm tốc độ nhường đường, gây ra cảnh giao thông lộn xộn.
Thực tế, đã có không ít những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra do người điều khiển phương tiện không kịp trở tay khi phải tránh đàn gia súc thả rông đi nghênh ngang bất ngờ sang đường hoặc chạy ra giữa đường. Tuy vậy, nhiều người chăn nuôi vẫn không nhận thức được những nguy hiểm rình rập mà vẫn thả rông gia súc tràn lan. Theo người dân cho biết, tình trạng này diễn ra từ lâu và thường xuyên, song không bị xử lý nên người dân vẫn vô tư chăn thả gia súc trái quy định.
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Không được thả rông súc vật trên đường bộ. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100/2019 của Chính phủ. Đối với những trường hợp súc vật thả rông gây tai nạn, thì người chủ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Trường hợp vô ý làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3-10 năm, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự.
Trường Giang