Cập nhật: 24/08/2023 09:15:00
Xem cỡ chữ

Chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế có ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên hiện nay, còn nhiều doanh nghiệp, đơn vị cố tình dây dưa, nợ đọng hoặc chưa tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Vĩnh Phúc có trên 244.000 người tham gia Bảo hiểm xã hội, chiếm 42,5% lực lượng lao động; trên 218.000 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 38% lực lượng lao động. Tổng thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt gần 3.639 tỷ đồng, đạt 56,2% kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao. Tuy nhiên, tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp lên đến gần 150 tỷ đồng, chiếm khoảng 4% kế hoạch thu, với trên 200 đơn vị nợ đọng. Trong đó, có nhiều đơn vị nợ kéo dài trên 12 tháng.

Bên cạnh nguyên nhân do hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thì nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chậm đóng tiền Bảo hiểm xã hội. Việc các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội không chỉ gây khó khăn cho cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện kế hoạch thu mà còn gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Thực hiện đóng Bảo hiểm xã hội là nghĩa vụ của mỗi doanh nghiệp, đơn vị nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Việc cố tình nợ đọng và không tham gia Bảo hiểm xã hội cho người lao động là vi phạm các quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.

Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiên quyết, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đơn vị dây dưa, nọ đọng Bảo hiểm xã hội, có như vậy mới đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Lưu Trường