Cập nhật: 29/08/2023 07:43:00
Xem cỡ chữ

Mỹ đã đề xuất một số chiến thuật và bài học rút ra cho Ukraine trong cuộc phản công hiện nay. Tuy nhiên, Kiev không hoàn toàn nhất trí với những gợi ý từ phía Washington.

Cuộc phản công “không bế tắc, không đột phá”

Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đánh giá tiến triển của Ukraine trong cuộc phản công vào mùa hè này, đồng thời thảo luận thẳng thắn với Kiev về những bài học rút ra. Điểm mấu chốt ở đây là cuộc xung đột có thể sẽ kéo dài tới năm sau, do đó Mỹ và đồng minh sẽ phải duy trì ổn định sự hỗ trợ để Ukraine tiếp tục tiến công.

my goi y cho ukraine cach danh khi cuoc phan cong khong be tac, khong dot pha hinh anh 1

Ukraine khai hỏa hệ thống tên lửa phóng loạt cỡ nhỏ ở Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters

Cuộc phản công mùa hè vừa qua, ở một vài khía cạnh, đã khiến Ukraine và phương Tây thất vọng. Tuy nhiên, thay vì tìm kiếm lối thoát ngoại giao, hầu hết các quan chức cấp cao Washington cho rằng cần sát cánh chặt chẽ hơn với Kiev.

"Chúng tôi không nghĩ cuộc xung đột này đã rơi vào bế tắc", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhận định.

Cam kết tiếp tục ủng hộ không có nghĩa là các quan chức Mỹ không chỉ trích cách thức các chỉ huy Ukraine tiến hành cuộc phản công. Điểm đầu tiên được chỉ ra trong đánh giá này là các lực lượng của Ukraine đã không thể tiến tới Biển Azov và cắt đứt hành lang trên đất liền của Nga nối với Bán đảo Crimea trước khi mùa đông tới như họ hy vọng. Các quan chức Mỹ vẫn cho rằng Ukraine có thể phá hủy đáng kể các vị trí của Nga trong năm nay khi họ vượt qua lớp phòng tuyến kiên cố đầu tiên và đang tiến gần phòng tuyến thứ hai. Washington cũng tin rằng các đơn vị di động của Ukraine sau đó có thể nhanh chóng di chuyển ở phía Đông và phía Tây, đồng thời khiến các lực lượng của Nga thất bại.

Tuy nhiên, Ukraine có lẽ sẽ không thể đạt được thắng lợi quyết định trước cuối năm nay. Điều đó tức là cuộc xung đột có thể sẽ kéo dài đến năm 2024 hoặc lâu hơn, gây ra thương vong và tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Giới chức Mỹ nhận định, sự kiên nhẫn chiến lược vẫn là vũ khí tốt nhất để đối phó với Nga.

Mỹ gợi ý cho Ukraine cách đánh

Các quan chức Lầu Năm Góc đã hối thúc các chỉ huy của Ukraine ưu tiên và tập trung lực lượng vào những điểm có tiềm năng đạt đột phá dọc tiền tuyến trải dài hơn 1.000km. Ukraine ban đầu phân tán đều lực lượng trên 3 trục thay vì tập trung vào mặt trận phía Nam chạy qua Zaporizhzhia tới Biển Azov. Sau khi tiếp nhận lời khuyên từ phương Tây, Kiev đã di chuyển một số lực lượng từ Bakhmut và các khu vực khác ở phía Đông tới phía Nam.

Dù vậy, giới lãnh đạo Ukraine bảo vệ chiến lược và kế hoạch phân tán lực lượng của mình, khẳng định họ đang chiến đấu hiệu quả ở cả phía Đông và phía Nam. Theo đó, việc duy trì số lượng lớn binh lính ở Bakhmut là cần thiết để gây sức ép cho Nga và bảo vệ phía Đông Bắc trước các cuộc tấn công của Moscow. Viện Nghiên cứu Chiến tranh cũng cho rằng các cuộc tấn công của Ukraine ở Bakhmut đang ngăn cản Nga củng cố lực lượng ở phía Nam, nơi mà các lực lượng của Kiev đang tìm cách xuyên thủng các phòng tuyến của Moscow.

Mới đây, giữa bối cảnh Ukraine và Mỹ thảo luận về việc Kiev nên dồn lực ở nơi nào dọc tiền tuyến, tướng cấp cao Ukraine ở phía Đông đã kêu gọi tăng cường quân tiếp viện tại khu vực Nga có thể giành thêm lãnh thổ.

Các chỉ huy Mỹ nhận định, Ukraine đã lãng phí hỏa lực vào các cuộc pháo kích càn quét. Theo ước tính của Washington, Ukraine đã bắn khoảng 2 triệu quả đạn pháo 155mm kể từ khi xung đột nổ ra, gần như làm cạn kiệt kho đạn này của phương Tây. Washington kêu gọi Ukraine nên cân nhắc tiến hành pháo kích vào các mục tiêu quan trọng nhất và sử dụng chúng để tiến công nhanh chóng về phía mục tiêu.

Lầu Năm Góc cũng đề xuất Ukraine nên giảm phụ thuộc vào UAV để thu thập thông tin trên chiến trường và phụ thuộc nhiều hơn vào các lực lượng trinh sát mặt đất vốn có thể đánh giá các vị trí của Nga tốt hơn. Họ cũng cho rằng Kiev nên trao cho các sĩ quan cấp thấp nhiều quyền lực hơn để khai thác mọi cơ hội trên tiền tuyến kéo dài. Với tất cả những điểm này, các quan chức Mỹ tin rằng Ukraine sẽ phản ứng một cách tích cực. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về vấn đề này đang này sinh bất đồng trong những tuần gần đây.

Chính quyền Tổng thống Biden đánh giá, xung đột sẽ tiếp tục đến năm sau hoặc hơn và đang cân nhắc một vài hình thức mở rộng sự hỗ trợ. Sự ủng hộ đang ngày càng gia tăng ở Washington đối với việc cung cấp đạn chùm cho Ukraine, loại vũ khí có thể tấn công sâu hơn vào các vị trí của Nga.

Washington cũng đang lên kế hoạch cho "một lực lượng tương lai" của Ukraine để ngăn cản các hành động "gây hấn" của Nga. Tiêm kích F-16 sắp đến tay Ukraine trong một vài tháng tới sẽ là một phần trong kế hoạch đó và các quan chức Mỹ đang làm việc với đồng minh để cung cấp thêm các hệ thống vũ khí khác và các khóa huấn luyện.

Trong khi đó, Ukraine tiếp tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ tên lửa tầm xa để tấn công sâu hơn vào các phòng tuyến của Nga. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc vẫn tiếp tục từ chối đề nghị này, chủ yếu là do các quan chức lo ngại Mỹ không có đủ tên lửa tầm xa ATACM để cung cấp cho Ukraine mà không ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng của mình nếu bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra trong tương lai.

Washington cũng dự đoán, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ thúc đẩy phản công để giành lại lãnh thổ Nga kiểm soát và Bán đảo Crimea. Báo cáo ngày 25/8 cho biết, 42 UAV đã được phóng về phía Crimea và 1 tên lửa nhắm vào Moscow. Hiện nay, lập trường của chính quyền Tổng thống Biden vẫn là không khuyến khích hay tạo điều kiện cho các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga.

Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) – 29/8/2023

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/my-goi-y-cho-ukraine-cach-danh-khi-cuoc-phan-cong-khong-be-tac-khong-dot-pha-post1042232.vov