Cập nhật: 04/09/2023 07:27:00
Xem cỡ chữ

Hàng loạt cuộc đảo chính đã làm rung chuyển châu Phi trong thời gian gần đây. Đâu là nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực tế này?

Tình hình bất ổn chính trị ở hàng loạt nước châu Phi đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận với cuộc đảo chính gần đây nhất xảy ra ở Gabon ngày 30/8. Một nhóm sĩ quan quân đội cấp cao ở Gabon đã thông báo trên truyền hình quốc gia rằng họ đã nắm quyền và kết quả bầu cử bị hủy bỏ, chỉ vài phút sau khi Tổng thống Ali Bongo chiến thắng nhiệm kỳ thứ ba.

Nếu thành công, đây sẽ là cuộc đảo chính thứ 8 kể từ năm 2020 ở Tây và Trung Phi – khu vực được cho là “vành đai đảo chính” tiềm ẩn nhiều bất ổn. Hàng loạt cuộc đảo chính đã xảy ra tại các nước châu Phi gồm Mali, Guinea, Burkina Faso, Chad, Niger, Tunisia và Gabon đã đe dọa đảo ngược tiến trình dân chủ mà lục địa này đạt được trong 2 thập kỷ qua.

nguyen nhan sau xa cua hang loat cuoc dao chinh lam rung chuyen chau phi hinh anh 1

Tây và Trung Phi là khu vực được cho là “vành đai đảo chính” tiềm ẩn nhiều bất ổn. Ảnh: Reuters

Theo nhà phân tích chính trị Remi Adekoya, các cuộc đảo chính ở châu Phi bùng lên mạnh mẽ trong những thập kỷ đầu của giai đoạn hậu thuộc địa khi các lãnh đạo đảo chính đưa ra những lý do tương tự nhau về việc lật đổ chính phủ như: tham nhũng, quản lý yếu kém và đói nghèo. Những lý do này vẫn tiếp diễn ở các quốc gia châu Phi ngày nay.

Tại nhiều nước, người dân thậm chí cảm thấy các vấn đề trên ngày càng tồi tệ hơn. Chuyên gia này cũng cho rằng, trong khi dân số ngày càng tăng ở Lục địa Đen thì sự cạnh tranh tài nguyên cũng ngày càng khốc liệt. Những điều kiện đó đã thúc đẩy các cuộc đảo chính gần đây khi nhiều người trẻ ở châu Phi thất vọng với các chính quyền tham nhũng và sẵn sàng cho sự thay đổi triệt để.

Khao khát thay đổi

Nathalie Mezo, một nhà hoạt động về quyền phụ nữ ở Gabon đã gọi cuộc đảo chính là điều dễ đoán.

"Người dân Gabon khao khát sự thay đổi. Đó là lý do tại sao dù đó là một cuộc đảo chính nhưng hầu hết mọi người lại thở phào khi 60 năm cầm quyền của gia tộc này cuối cùng cũng kết thúc".

Bà Mezo tin rằng cuộc đảo chính đã được chuẩn bị trước từ lâu bởi "nếu chúng tôi, các công dân, biết kết quả bầu cử sẽ nghiêng về tổng thống thì quân đội còn biết nhiều hơn thế".

"Đây là tình huống diễn ra từ năm 1993 nhưng trong 14 năm qua, mọi thứ thậm chí trở nên tồi tệ hơn. Năm 2009 và 2016, tất cả các cuộc bầu cử đều gây ra tranh cãi. Vì thế, kịch bản này là điều hoàn toàn dễ đoán", bà Mezo cho hay.

Đây là lần đầu tiên quân đội chống lại gia tộc Bongo kể từ khi gia tộc này nắm quyền năm 1967.

Ovigwe Eguegu, nhà phân tích thuộc công ty tham vấn an ninh Afripolitika nhận định, cuộc đảo chính ở Gabon không giống các cuộc đảo chính khác ở Tây Phi. Ông cũng cho rằng, cuộc đảo chính ở Gabon diễn ra bất ngờ nhưng ở một mức độ nào đó không thực sự gây ngạc nhiên bởi nếu quay về năm 2016, thời điểm cũng diễn ra một cuộc bầu cử, người dân đã phản đối kết quả bầu cử và đó là nhiệm kỳ thứ hai của ông Ali Bongo.

Theo ông: "Cuộc đảo chính ở Gabon khác với những gì chúng ta đang chứng kiến ở các nước Tây Phi khác. Trong khi các cuộc đảo chính kia tập trung vào an ninh và quản lý thì cuộc đảo chính này tập trung cụ thể vào tiến trình bầu cử".

Mất hy vọng vào dân chủ

Dân chủ kiểu phương Tây dường như không tạo được dấu ấn vững chắc tại nhiều nước châu Phi.

"Có một cảm nhận ở các nước châu Phi từng là thuộc địa của Pháp rằng Pháp luôn đứng về phía người nắm quyền bất kể họ có được lòng dân hay không. Luôn có sự kết nối mạnh mẽ giữa Pháp và chính phủ mà trong nhiều trường hợp không thân thiện lắm với người dân", ông Ibrahima Kane - một luật sư người Senegal nhận định.

Tại Niger, nơi quân đội phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình, và tại Gabon cũng vậy, để thể hiện sự bất mãn với các chính phủ ở đây. Nhà quan sát Ovigwe Eguegu nhận định, các lãnh đạo của những nước châu Phi này hầu như không làm gì để cải thiện cuộc sống của người dân.

"Đó là tại sao chúng ta thấy các cuộc đảo chính dân túy này. Phải thành thật mà nói, đó là các cuộc đảo chính dân túy".

Theo ông Eguegu, nếu người dân không nhìn ra lợi ích của chính phủ được bầu ra một cách dân chủ, thì chính phủ đó sẽ hầu như không nhận được sự ủng hộ của họ trong thời kỳ khủng hoảng.

"Tại sao họ phải tham gia bỏ phiếu và không có gì thay đổi? Với họ, đảo chính được coi là một biện pháp để kích thích hệ thống xem liệu điều đó có thể dẫn tới một kết quả tốt đẹp hơn không", chuyên gia này cho hay, mặc dù ông thừa nhận giới lãnh đạo quân sự cũng hiếm khi cải thiện được tình hình.

Bram Posthumus - một nhà báo độc lập theo dõi khu vực Tây Phi đưa ra đánh giá trực tiếp hơn: "Một trong những điều mà các cuộc đảo chính thành công này cho thấy là việc thử nghiệm dân chủ kiểu phương Tây ở khu vực Sahel đã thất bại hoàn toàn".

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, giao tranh giữa các phe phái chính trị cũng gây ra đảo chính. Vài ngày trước khi ông Bazoum bị lật đổ, ông được cho là đang lên kế hoạch sa thải lãnh đạo phe đảo chính hiện tại. Sự bất đồng trong quân đội ở Burkina Faso cũng gây ra cuộc đảo chính thứ hai sau khi quân đội lật đổ Tổng thống Roch Kabore trong cuộc đảo chính năm 2022.

Đói nghèo liên miên

Một số chuyên gia cũng đổ lỗi cho các cuộc đảo chính gần đây là do tình trạng đói nghèo liên miên ở nhiều quốc gia châu Phi, đặc biệt ở các quốc gia từng là thuộc địa của Pháp. Pháp cũng bị cáo buộc đã khai thác tài nguyên thiên nhiên của những quốc gia này trong khi không giải quyết các vấn đề kinh tế thường ngày của người dân.

Chuyên gia Posthumus cho rằng, với sự thất vọng ngày càng gia tăng này, người dân mất dần niềm tin và sự kiên nhẫn vào tiến trình dân chủ.

"Dân chủ không giải quyết bất kỳ vấn đề cơ bản nào mà họ phải đối mặt, từ bạo lực, đói nghèo cho tới thiếu vắng các cơ hội phát triển kinh tế", chuyên gia này cho hay.

Suy giảm an ninh ở khu vực Sahel

Sự suy giảm an ninh liên tục cũng là nguyên nhân dẫn đến các cuộc đảo chính gần đây. Khu vực Sahel chìm trong những cuộc nổi dậy từ năm 2012, bắt đầu ở Mali, sau đó lan rộng tới Burkina Faso và Niger năm 2015 rồi đến Guinea cũng trải qua hàng loạt cuộc tấn công kéo dài.

Theo Liên Hợp Quốc, sự mất an ninh gia tăng ở khu vực Sahel đã gây ra "mối đe dọa toàn cầu" bởi tình trạng nhân đạo ở đây trở nên tồi tệ hơn với hàng nghìn người phải rời đi. Các nước phương Tây đã không thành công trong việc giải quyết sự mất an ninh trong khu vực. Tại Mali và Burkina Faso, lực lượng quân sự phương Tây đã bị yêu cầu rời đi.

Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) đang đứng trước sức ép khi làn sóng đảo chính tại nhiều quốc gia chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, tổ chức này chỉ phản ứng bằng cách áp trừng phạt,

Quyết định gần đây của ECOWAS khi kích hoạt lực lượng dự bị cho khả năng can thiệp quân sự vào Niger đã chia rẽ các chính phủ khu vực và gây ra nhiều vấn đề. Theo nhà quan sát Eguegu: "ECOWAS sẽ cần định hình lại chính sách của mình khi giải quyết sự thay đổi không theo hiến pháp trong chính phủ".

Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) - 4/9/2023

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nguyen-nhan-sau-xa-cua-hang-loat-cuoc-dao-chinh-lam-rung-chuyen-chau-phi-post1042971.vov