Hiện nay, quá trình biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và đô thị hóa đã và đang là thách thức toàn cầu. Trong đó, các hiện tượng thời tiết nắng nóng, ngập lụt cục bộ đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của người dân và quá trình phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia, các địa phương. Tại Vĩnh Phúc, trong thời gian gần đây cũng chứng kiến những trận mưa lũ lịch sử gây ngập cục bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân. Đây là vấn đề được cử tri, đại biểu Nhân dân đặc biệt quan tâm.
Hiện nay, sau mỗi cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ, tình trạng ngập lụt cục bộ hoặc ngập lụt diện rộng lại diễn ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Thực trạng này khiến các tuyến đường quan trọng bị nhấn chìm trong nước, giao thông ùn tắc, nhiều hoạt động bị ngưng trệ, cuộc sống và sinh hoạt của người dân bị cản trở.
Đợt mưa lớn cuối tháng 5/2022 đã làm ngập lụt, sạt lở nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh; trong đó, đã ngập úng trên 12.600 ha lúa, hoa màu, thủy sản, ảnh hưởng lớn đến đời sống của Nhân dân từ thành thị đến nông thôn. Riêng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên đã xuất hiện nhiều điểm ngập sâu không chỉ tại các tuyến đường mà cả bệnh viện, trường học.
Thời điểm đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đóng tại thôn Lạc Ý, phường Đồng Tâm thành phố Vĩnh Yên cũng phải chịu nhiều ảnh hưởng do ngập lụt gây nên, dẫn đến Bệnh viện phải dừng tiếp nhận bệnh nhân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, xong nguyên nhân chủ yếu là thành phố Vĩnh Yên đang trong quá trình đô thị hóa, hạ tầng đang được đầu tư nên chưa đồng bộ.
Năm 2023, vẫn là năm diễn biến thời tiết phức tạp, trung tuần tháng 8, mưa lớn kéo dài khiến nhiều điểm ở các tuyến phố Nguyễn Tất Thành, Chu Văn An, Mê Linh, Tôn Đức Thắng… tại thành phố Vĩnh Yên chìm trong nước, có nơi ngập sâu từ 40-50 cm. Để khắc phục, đơn vị môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên đã huy động các nhân viên trực tại các điểm ngập cục bộ thực hiện tháo tiêu, thoát nước, thu dọn rác thải để thông luồng nước thoát.
Thực trạng ngập lụt cục bộ hiện nay không chỉ xảy ra cục bộ tại thành phố Vĩnh Yên mà còn ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh như huyện Tam Đảo, Vĩnh Tường hoặc các tuyến đường chính vào các Khu công nghiệp Bá Thiện, Bình Xuyên, Thăng Long 3… Hậu quả của việc ngập lụt đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất của doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt, đi lại của Nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi tại một số địa phương.
Để giải quyết vấn đề ngập lụt trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, tỉnh ta đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Trong đó việc hoàn thiện hạ tầng tiêu thoát lũ quy mô cấp tỉnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hiện nay, dự án này đang được ngành chức năng, nhà thầu và đơn vị thi công khẩn trương thực hiện để sớm đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, để giải “bài toán” vấn đề ngập lụt nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân thì ngoài sự nỗ lực và thực hiện đồng bộ các giải pháp của các cấp chính quyền, rất cần sự vào cuộc, chung tay, đồng thuận của Nhân dân trên địa bàn./.
Đức Thiện