Cập nhật: 18/09/2023 13:31:00
Xem cỡ chữ

Thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao, Bộ Văn hóa – Thể thao -  Du lịch đang xây dựng "Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Đây là Chương trình có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển của văn hoá góp phần phát triển bền vững của đất nước.

Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Đoàn Văn Việt về nội dung này.

bo vhttdl danh 350.000 ty dong cho chuong trinh muc tieu quoc gia ve van hoa hinh anh 1

Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Đoàn Văn Việt.

PV: Thưa Thứ trưởng, xin Thứ trưởng cho biết tính cấp thiết của việc xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam?

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt: Thứ nhất, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam nhằm triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng và Quốc hội về chấn hưng, phát triển văn hóa xây dựng con người Việt Nam:

- Tại Kết luận số 42-KL/TW về kinh tế xã hội năm 2022-2023 (Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành), mục 2.7 nêu rõ: “Triển khai Chương trình quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030”.

- Tại Nghị quyết số 68/2022/QH15, Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 15 tiếp tục giao Chính phủ xây dựng Chương trình hoặc Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Tại Hội thảo Văn hóa 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tại báo cáo tổng kết Hội thảo, đã nêu cụ thể 9 nhóm chính sách và 7 nhiệm vụ cụ thể cần làm ngay, trong đó có nhiệm vụ cần sớm xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Thứ hai, Chương trình nhằm cụ thể hóa các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa của đất nước; nâng cao, tiếp nối các nhiệm vụ về phát triển văn hóa tại các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, chương trình, đề án, dự án giai đoạn trước và đang triển khai.

Thứ ba, Chương trình nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ, phát triển văn hóa bền vững.

Thứ tư, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới.

bo vhttdl danh 350.000 ty dong cho chuong trinh muc tieu quoc gia ve van hoa hinh anh 2

PV: Đây là một đại công trình lớn, đòi hỏi sự tham gia tích cực, chủ động, hiệu quả của ngành Văn hóa, phối hợp với các bộ ngành, địa phương. Vậy, chúng ta sẽ ưu tiên những vấn đề gì của văn hóa, để thực sự đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, cào bằng, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt: Văn hóa là một lĩnh vực rất rộng, để có thể đề xuất ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, Bộ VHTTDL đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tham vấn, xin ý kiến nội dung chương trình với các bộ, ngành, địa phương, nhà chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực văn hóa; đánh giá tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các đề án, dự án giai đoạn trước để rút kinh nghiệm cho những chương trình tiếp theo, từ đó để đề xuất các nội dung đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, cào bằng.

Chương trình có tổng số 10 nội dung thành phần (chia thành 51 nhiệm vụ với 164 mục tiêu cụ thể, 255 hoạt động cụ thể), gồm: (1) Phát triển văn hóa con người Việt Nam; (2) xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; (3) phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; (4) nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; (5) bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân; (6) thúc đẩy sự phát triển văn học, nghệ thuật; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; (7) đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; (8) phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa; (9) nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; (10) tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực thực hiện Chương trình; truyền thông, tuyên truyền về Chương trình.

PV: Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, địa phương, việc huy động các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa rất quan trọng. Vậy cần thay đổi cơ chế, chính sách, pháp luật thế nào để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực văn hóa? 

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt: Thứ nhất, xin khẳng định Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam sẽ có sự tham gia đa dạng từ các cấp chính quyền, Nhà nước đến các tổ chức, người dân, toàn xã hội. Thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, Bộ VHTTDL luôn xác định Chương trình chỉ có thể đạt hiệu quả, thành công nếu ngay từ bước xây dựng, thiết kế Chương trình đến quá trình triển khai thực hiện Chương trình sau này có sự tham gia đầy đủ, tích cực, chủ động của mọi thành phần xã hội, không chỉ là các cơ quan quản lý nhà nước (như các bộ, ngành, các sở, UBND các cấp) mà còn là các tổ chức chính trị xã hội, các cơ sở giáo dục, tổ chức văn hóa, nghệ thuật, các văn nghệ sỹ, người thực hành văn hóa và cả mọi gia đình, người dân trên mọi miền Tổ quốc. Cách tiếp cận đa dạng này vừa đảm bảo các nội dung hoạt động của Chương trình đúng và trúng nhu cầu thực tế của toàn xã hội, vừa phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia, cùng đoàn kết, chung tay xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thứ hai, một trong những định hướng quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam là hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động sáng tạo, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa. Chương trình không chỉ tập trung vào việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, mà còn có các nội dung hoạt động nhằm hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động sáng tạo, sáng tác, kinh doanh và thực hành văn hóa của các tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là các hoạt động khối tư nhân, hướng tới phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo của Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao. Có thể kể đến hoạt động hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ xúc tiến, quảng bá sản phẩm, trợ giúp pháp lý,... Những sự hỗ trợ này mang tính “mồi”, tạo môi trường, điều kiện kinh doanhg thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, cá nhân cùng tham gia đầu tư trong lĩnh vực văn hóa.

Thứ ba, ngoài các hoạt động hỗ trợ, Chương trình cũng sẽ kèm theo các giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút hiệu quả nguồn lực, sự tham gia của khu vực ngoài Nhà nước vào lĩnh vực văn hóa. Các giải pháp này bao gồm: Đổi mới cơ chế chính sách xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; xây dựng cơ chế tự chủ đặc thù đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt trong quản lý, vận hành, khai thác các thiết chế văn hóa; xây dựng khung pháp lý về hợp tác công - tư trong sản xuất sản phẩm văn hóa và đầu tư xây dựng, khai thác công trình văn hóa; cải cách chính sách thuế, phí, lệ phí để thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, đặc biệt là các hỗ trợ, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân khi tài trợ, hiến tặng; nghiên cứu về cơ chế quản lý việc gây quỹ cộng đồng, quỹ đối ứng công - tư; chính sách gắn trách nhiệm của nhà đầu tư đối với phát triển văn hóa.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam được xây dựng, thiết kế bám sát quan điểm là việc chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ mới là trách nhiệm, quyền lợi không chỉ của Nhà nước, Chính phủ, mà còn là của mọi tổ chức, cá nhân, nhân dân cả nước. Chương trình bao gồm các hoạt động cụ thể, các giải pháp đồng bộ để tạo ra môi trường thuận lợi cho mọi thành phần xã hội được tham gia đóng góp, đầu tư, phát triển văn hóa Việt Nam một cách bền vững và mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Theo Thu Hòa/VOV1 – 18/9/2023

https://vov.vn/van-hoa/bo-vhttdl-danh-350000-ty-dong-cho-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-ve-van-hoa-post1046638.vov