Cập nhật: 22/09/2023 09:27:00
Xem cỡ chữ

Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có nhiều vụ quy mô lớn trên thế giới. Ngộ độc do Salmonella biểu hiện từ nhẹ cho tới rất nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.

Ngày 22/9, Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo kết quả phân tích về vụ ngộ độc xảy ra tại tiệm bánh mì Phượng ở Hội An.

Vi khuẩn Salmonella gây ra vụ ngộ độc bánh mì Phượng nguy hiểm ra sao? - 1

Cơ quan chức năng xác định vi khuẩn Salmonella có trong bánh mì Phượng ở Hội An là tác nhân hàng đầu gây ra vụ ngộ độc (Ảnh: Ký ức Hội An).

Theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang, vi khuẩn Salmonella và vi khuẩn Bacillus cereus được phát hiện trong chả heo, thịt heo xíu mại, rau răm, hành, dưa leo… Trong đó, vi khuẩn Salmonella là tác nhân gây ngộ độc hàng đầu.

Bà Lê Thị Hồng Cẩm - Chi Cục trưởng Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam - cho biết vi khuẩn Salmonella có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém.

Dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, ói mửa… Nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng.

Về biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do Salmonella, bà Lê Thị Hồng Cẩm cho rằng cần kiểm soát từ trang trại, hộ chăn nuôi. Đối với gia súc và gia cầm phải được kiểm tra thú y trước khi giết mổ để giảm nguy cơ các loại thịt nhiễm Salmonella.

Giám sát chế độ vệ sinh nơi ăn uống, vệ sinh dụng cụ, đảm bảo nguồn nước sạch, có thiết bị phòng chống côn trùng, chuột và bảo đảm vệ sinh cá nhân người chế biến thực phẩm là cách phòng ngừa nhiễm Salmonella đơn giản và hiệu quả. Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chế biến thức ăn cũng như nhà bếp sẽ giúp ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn này.

Không ăn thực phẩm tái, gỏi; khi ăn các thực phẩm này có nguy cơ cao nhiễm các loại ký sinh trùng, trong đó có Salmonella. Salmonella còn có khả năng nhiễm từ bàn tay người chế biến thực phẩm nên phải rửa tay thật sạch trước và sau khi xử lý, chế biến thực phẩm và lây nhiễm từ dụng cụ nhà bếp như dao, thớt...

Vi khuẩn Salmonella gây ra vụ ngộ độc bánh mì Phượng nguy hiểm ra sao? - 2

Tiệm bánh mì Phượng tạm đóng cửa, khi cơ quan chức năng cho phép mới được mở lại (Ảnh: Công Bính).

Đun sôi thực phẩm trước khi ăn là biện pháp tốt nhất. Đối với thực phẩm đã ướp lạnh, đóng băng thì thời gian đun nấu phải kéo dài hơn bình thường. Khi đun phải bảo đảm nhiệt độ sôi cả bên trong miếng thịt, các thực phẩm phải đun sôi ít nhất 5 phút.

Thực phẩm còn lại sau bữa ăn trước, thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh phải được đun lại trước khi ăn. Thức ăn dự trữ hoặc còn thừa phải được nấu lại trước khi ăn. Cần cảnh giác với những món nguội như thịt đông, patê, giò, chả... vì rất dễ bị nhiễm khuẩn.

Nên cất giữ thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách, không để quá lâu. Với thức ăn sau khi nấu chín cần ăn ngay. Nếu muốn lưu trữ đồ ăn cần để nguội, cho vào tủ lạnh chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu xong. Hạn chế ăn ở những nơi không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo bà Cẩm, sau khi có kết quả phân tích, Sở Y tế sẽ tiến hành làm việc với hộ kinh doanh bánh mì Phượng để lập biên bản vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.  Đồng thời kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Salmonella là trực khuẩn gram (-), hiếu khí hoặc kỵ khí tùy tiện, không có nha bào, dễ mọc trên các môi trường thông thường. Nhiệt độ phát triển từ 50-47 độ C, thích hợp nhất là từ 35-37 độ C. pH có thể phát triển được là từ 4,5-9, thích hợp nhất ở pH 6,5-7,5. Khi pH dưới 4,0 và trên 9, vi khuẩn có thể bị tiêu diệt.

Salmonella nhạy cảm với nồng độ muối, nồng độ tối đa cho sự phát triển là 5,3%, ở nồng độ 6-8% vi khuẩn phát triển chậm, ở nồng độ 8-19% vi khuẩn ngừng phát triển. Tuy nhiên, với vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm nó chỉ chết khi ướp muối với nồng độ bão hòa trong một thời gian dài. Như vậy, thịt cá ướp muối, các món ăn kho mặn chưa thể coi là an toàn đối với Salmonella.

Salmonella nhạy cảm với nhiệt độ, thời gian đun nấu để có thể phá hủy được vi khuẩn ở 60 độ C trong vòng 45 phút, 70 độ C trong 2 phút và 85 độ C trong 1 giây.

Như vậy, các cách diệt khuẩn bằng phương pháp Pasteur và nấu nướng bình thường cũng có khả năng diệt được vi khuẩn Salmonella trong thực phẩm có độ ẩm cao. Cũng như các vi khuẩn khác, sức chịu đựng đối với nhiệt độ tăng lên khi hoạt tính nước giảm đi, như trong các loại thực phẩm khô.

Các thực phẩm có thể bị nhiễm Salmonella gồm thịt gà, thịt lợn, sữa tươi, trứng, rau các loại, sò, hến, trai và gia vị. Đặc biệt khi thực phẩm bị nhiễm Salmonella, protein của thực phẩm không bị phân giải, tính chất lý hóa của thực phẩm không bị thay đổi mặc dù vi khuẩn phát triển rất nghiêm trọng nhưng trạng thái cảm quan không thay đổi gì rõ rệt.

Nhiễm khuẩn Salmonella có thể do động vật bị nhiễm khuẩn trước khi giết thịt, động vật bị bệnh, vi khuẩn Salmonela có ở trong máu, thịt và đặc biệt ở trong các phủ tạng như gan, lá lách, ruột.

Trong gia cầm bị bệnh, Salmonella có thể tồn tại ở buồng trứng nên ngay sau khi gia cầm đẻ trứng đã nhiễm Salmonella. Một số loại gia cầm như vịt, ngan, ngỗng khi đẻ trứng tại các nơi điều kiện vệ sinh không bảo đảm, vi khuẩn Salmonella có thể xâm nhập qua vỏ trứng vào bên trong.

Thịt có thể bị nhiễm Salmonella do dụng cụ chứa đựng, do nguồn nước bị ô nhiễm, do ruồi, chuột... Các loại thịt xay, nghiền, băm nhỏ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển.

Thực phẩm nguội hoặc thực phẩm chế biến trước khi ăn quá lâu, khi ăn không đun lại cũng có nguy cơ ngộ độc thực phẩm do Salmonela.

Con đường lây truyền vi khuẩn chủ yếu qua món ăn không nấu chín hoặc trong quá trình chế biến thực phẩm bị nhiễm khuẩn.

Theo Công Bính/dantri.com.vn – 22/9/2023

https://dantri.com.vn/suc-khoe/vi-khuan-salmonella-gay-ra-vu-ngo-doc-banh-mi-phuong-nguy-hiem-ra-sao-20230922080449953.htm