Tỉnh Thừa Thiên Huế đang lưu giữ kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tư liệu phong phú. Địa phương này triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xem đây là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn, phát huy giá trị Quần thể di tích cố đô Huế.
Điện Thái Hòa, một công trình kiến trúc độc đáo, quan trọng nằm trong Hoàng thành, Quần thể di tích Cố đô Huế. Sau gần một năm rưỡi hạ giải trùng tu, đến nay nhiều hạng mục công trình dần được phục dựng. Do tính chất đặc biệt của kiến trúc công trình, quá trình thi công có sự giám sát nghiêm ngặt của các chuyên gia, hội đồng khoa học. Tất cả hạng mục, công trình kiến trúc được quay phim, chụp ảnh, dập hoa văn, scan hiện trạng, phân loại chi tiết…
Du khách trải nghiệm Hoàng cung Cố đô Huế qua thế giới ảo
Công tác trùng tu điện Thái Hòa tôn trọng tối đa yếu tố gốc. Quá trình trùng tu, phục dựng được ứng dụng công nghệ để đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời tạo nguồn tư liệu cho việc trùng tu các di tích khác sau này… Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay: “Đối với công trình này, tất cả các cấu kiện xuất lộ, chúng tôi đều cập nhật đo, vẽ, ghi chép, quay phim, scan 3D. Sau này, chúng tôi sẽ biên tập, xây dựng thành bộ phim tổng hợp lại quá trình thực hiện, thi công công trình”.
Tái hiện các nghi lễ Hoàng cung xưa
Điện Thái Hòa là một trong số nhiều công trình kiến trúc nằm trong khu vực Đại nội đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trùng tu, tôn tạo. Một số công trình nằm ở vị trí trung tâm Đại nội có lượng du khách tham quan khá đông nên ít nhiều bị ảnh hưởng. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ứng dụng công nghệ số phục vụ du khách như: App hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, công nghệ trải nghiệm ảo VR3D, quét mã QR để xem thông tin hiện vật, di tích… Ông Peter John, du khách Australia cho rằng: “Cố đô Huế rất đẹp và cổ kính. Nhiều công trình kiến trúc kinh thành được xây dựng rất công phu, uy nghi. Một số công trình ở đây đang được trùng tu tôn tạo, nhưng không sao, chúng tôi có thể quét mã QR để tìm hiểu thêm thông tin”.
Công nghệ VR3D giúp du khách có thêm trải nghiệm thú vị về Quần thể di tích Cố đô Huế
Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 7 di sản vật thể, phi vật thể và tư liệu được UNESCO vinh danh và khoảng 1.000 di tích lịch sử, văn hoá cần trùng tu, tôn tạo, bảo vệ. Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn, phát huy, quảng bá các giá trị di sản, văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch. Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các đơn vị, địa phương, các bảo tàng ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá tài liệu, lưu trữ hàng ngàn tư liệu quý…
Du khách tìm hiểu thông tin về Điện Thái Hoà, Đại nội Huế
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá, huy động sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản:“Chúng tôi đưa tất cả giá trị, hình ảnh di sản vào học đường, tuyên truyền đến người dân để mỗi người dân Huế trở thành một sứ giả để bảo vệ quần thể di tích Cố đô. Từ đó, đóng góp vào việc phát huy giá trị quần thể di tích cố đô Huế. Đồng thời cũng là yếu tố quảng bá, phát huy văn hóa truyền thống của Thừa Thiên Huế, xứng đáng trở thành trung tâm văn hoá của cả nước”.
Theo Vinh Thông/VOV-Miền Trung - 07/10/2023
https://vov.vn/van-hoa/so-hoa-cong-tac-bao-ton-phat-huy-gia-tri-quan-the-di-tich-co-do-hue-post1050953.vov