Trong 2 ngày 13 và 14/10, tại Cần Thơ sẽ diễn ra sự kiện Lễ hội áo bà ba, áo dài với chủ đề “Duyên dáng phương Nam” nhằm tôn vinh nét đẹp, giá trị và lan tỏa tình yêu dân tộc với chiếc áo bà ba, áo dài đến mọi người.
Những ngày qua, tại cửa hàng chuyên bán áo dài, bà ba của NTK Huệ Thi tấp nập người ra vào để chuẩn bị Bộ sưu tập (BST) áo bà ba tham gia trình diễn tại Lễ hội áo bà ba, áo dài “Duyên dáng phương Nam”. BST này cũng vừa được giới thiệu tại Festival áo bà ba Hậu Giang, tạo được tiếng vang lớn với du khách nước ngoài.
Chất liệu khăn rằn mộc mạc quen thuộc đậm chất Nam bộ một lần nữa được NTK Huệ Thi pha phối khéo léo với gam màu sáng, tạo nên những chiếc áo bà ba giản dị nhưng không kém phần độc đáo. Để tạo điểm khác biệt so với những mẫu bà ba trình diễn trong đêm nghệ thuật tại lễ hội, NTK Huệ Thi đã đính thêm chi tiết hạt trên chiếc áo bà ba nữ và may thêm những bộ bà ba cho nam giới.
BST áo bà ba khăn rằn của NTK Huệ Thi
NTK Huệ Thi chia sẻ, với sự xen kẽ màu vàng, hồng, xanh da trời, xanh lá cây và nâu hòa quyện với chiếc khăn rằn quen thuộc sẽ tạo nên chiếc áo bà ba vừa thân quen, truyền thống – vừa phá cách, hiện đại: "Trong đêm 14/10, chúng tôi sẽ dựng lại một câu chuyện về áo bà ba xưa và nay thành một phân đoạn nghệ thuật. Trên sân khấu tất cả những người mẫu, diễn viên, ca sĩ của chúng tôi sẽ hòa vào thành một bức tranh mà các thế hệ đều mặc áo bà ba. Thông qua câu chuyện áo bà ba, tôi muốn lan tỏa thông điệp đến cho mọi người, đặc biệt là cho thế hệ mai sau cần phải gìn giữ những giá trị về bản sắc văn hóa của dân tộc, không chỉ bảo tồn còn phải phát huy, phải lan tỏa và làm đẹp hơn".
Hội LHPN quận Ninh Kiều hưởng ứng tuần lễ áo bà ba trước thềm khai mạc Lễ hội
Lễ hội áo bà ba, áo dài “Duyên dáng phương Nam” gồm nhiều hoạt động như diễu hành áo bà ba, áo dài; biểu diễn nghệ thuật với 5 tiết mục “Áo bà ba trong lao động mở đất, áo bà ba trong kháng chiến giữ đất, áo dài xưa và nay, áo bà ba trong lễ hội và nghệ thuật, duyên dáng phương Nam”. Bên cạnh đó, còn có chuỗi hoạt động về diễu hành xe máy cổ đến viếng tượng đài Bác Hồ tại bến Ninh Kiều; “Góc chợ xưa” tại công viên Sông Hậu với 15 gian hàng, tái hiện hình ảnh phiên chợ xưa nhộn nhịp, những món ăn dân dã, truyền thống, mang đậm nét Nam bộ; trao giải hội thi “Nét duyên áo bà ba”...
Cần Thơ tổ chức tổng duyệt cho hoạt động diễu hành tại công viên sông Hậu
Tuy lần đầu tổ chức nhưng với kế hoạch tỉ mỉ cho từng hoạt động, Lễ hội đã nhận được sự hưởng ứng từ người dân và những nhà nghiên cứu văn hóa, trong đó có ông Lê Đình Bích, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ – là người tìm hiểu kỹ về sự ra đời của áo bà ba. Ông bày tỏ niềm vui khi lần đầu tiên Cần Thơ tổ chức lễ hội trang phục áo bà ba, áo dài với quy mô lớn, từ đó tạo thêm điều kiện để những người làm văn hóa như ông chia sẻ thêm cho lớp trẻ, bạn bè quốc tế về chiếc áo đặc sắc phương Nam này.
"Miền Tây là vùng sông nước thành ra chiếc áo dài được cách tân, được cắt ngắn vì nó không phù hợp với lao động nếu để dài. Chúng ta cắt ngắn thành hai vạt để thuận lợi hơn. Áo dài thì cài nút một bên thì áo bà ba được xẻ thành vạt sau và hai vạt bên. Các bạn đến đây – đến lễ hội sẽ cảm nhận được văn hóa nước khác với văn hóa vùng miền khác", ông Lê Đình Bích cho biết.
Chị em phụ nữ thuộc Văn phòng UBND TP. Cần Thơ tham dự cuộc thi ảnh "Nét duyên áo bà ba" do Hội LHPN TP. Cần Thơ tổ chức
Bà Võ Kim Thoa, Chủ tịch Hội LHPN TP. Cần Thơ cho biết lễ hội quy tụ đông đảo các tầng lớp phụ nữ từ các em sinh viên, phụ nữ trí thức, phụ nữ cao tuổi; hội viên phụ nữ các lĩnh vực từ nông thôn, thành thị, doanh nhân; phụ nữ làm việc ở lĩnh vực đặc thù như lực lượng vũ trang, ngành y, ngành kiểm sát… Với tinh thần tích cực tham gia tạo nên sự gắn kết cộng đồng và tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ về lễ hội.
Bên thềm khai mạc, Cần Thơ đã tổ chức tổng duyệt nhiều buổi cho hoạt động diễu hành khoảng 5.000 phụ nữ ở các quận/huyện tham gia tại công viên sông Hậu; chấm giải thi ảnh qua trang mạng online “Nét duyên áo bà ba”… Qua mỗi hoạt động bên lề, chị em phụ nữ Cần Thơ nói riêng, người dân nói chung thêm tinh thần tích cực, hân hoan chờ đón ngày hội vui. Song song đó, ban tổ chức kỳ vọng đây cũng là điểm nhấn thu hút khách du lịch trong nước lẫn quốc tế đến tìm hiểu trang phục truyền thống và vẻ đẹp vùng đất Tây Đô.
Theo Hồng Phương/VOV-ĐBSCL - 11/10/2023
https://vov.vn/van-hoa/lan-toa-net-dep-ao-ba-ba-ao-dai-qua-le-hoi-duyen-dang-phuong-nam-post1051805.vov