Vĩnh Phúc là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa truyền thống riêng. Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại mà còn gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo tồn, khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù có số lượng lớn đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống. Từ trước đến nay người dân chủ yếu làm nông nghiệp, thực hiện chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, nơi đây sẽ trở thành điểm lý tưởng để đồng bào dân tộc Sán Dìu được quảng bá, giới thiệu nét văn hóa truyền thống đến đông đảo bạn bè, du khách trong và ngoài tỉnh.
Xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống. Với nhiều nét đặc sắc về văn hóa, chính quyền địa phương sẽ khôi phục và tạo dựng một số đặc trưng của dân tộc Sán Dìu phục vụ du khách tham quan. Từ đó mở ra hướng đi mới để Đạo Trù khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu chính là cơ hội để địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Những kết quả bước đầu sau một thời gian ngắn triển khai xây dựng Làng Văn hóa kiểu mẫu đã tạo động lực để chính quyền và người dân tại các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tin tưởng Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, qua đó, cải thiện thu nhập của người dân, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương.
Kim Liên