"Truyện về Hồ Chí Minh" làm sáng tỏ cuộc đời, hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến những năm đầu sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập.
Bìa cuốn sách "Truyện về Hồ Chí Minh."
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật vừa ra mắt cuốn sách "Truyện về Hồ Chí Minh" do dịch giả Nguyễn Hải Hoành và Dương Trung Dũng dịch từ một ấn phẩm tiếng Trung.
Tháng 6/1949, Nhà xuất bản Bát Nguyệt (Thượng Hải, Trung Quốc) đã xuất bản, phát hành cuốn sách "Hồ Chí Minh truyện."
Cuốn sách được Trương Niệm Thức dịch từ một tác phẩm của Trần Dân Tiên.
Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật nhận thấy đây là một cuốn sách có giá trị, góp phần làm sáng tỏ cuộc đời, hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến những năm đầu sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập.
Với ý nghĩa quan trọng như vậy, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức biên dịch và xuất bản cuốn sách tiếng Trung sang tiếng Việt với tinh thần tôn trọng, bám sát tối đa bản gốc từ nội dung đến hình thức thể hiện, với tựa đề "Truyện về Hồ Chí Minh."
Tiến sỹ Nguyễn Thị Trang, biên tập viên Ban Sách Đảng, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, cho biết trong cuốn sách có không ít câu chuyện cảm động và ấn tượng. Trong đó có nhóm các câu chuyện số 11, 12, 13, kể về thời kỳ Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Pháp, tham gia Đảng Xã hội Pháp và bắt đầu tìm hiểu về những vấn đề lý luận chính trị.
Lúc này, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc rất tích cực tham gia và hoạt động sôi nổi trong các chương trình của Đảng Xã hội Pháp, đặc biệt là các cuộc míttinh bàn về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc đã tranh thủ mọi lúc mọi nơi, chắt chiu, dành dụm tiền để tìm mua và đọc sách, báo; sau đó là học viết báo và sáng lập ra báo Người cùng khổ (Le Paria) với tôn chỉ là khơi dậy tinh thần đấu tranh chống thực dân và sự đoàn kết của các dân tộc thuộc địa.
Ngay từ thời điểm ấy, khi mà hệ tư tưởng và con đường cứu nước vẫn chưa hình thành rõ nét, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức rất rõ vai trò của sách, báo, tạp chí với tư cách là công cụ truyền bá tư tưởng và là vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Trang, muốn xây dựng, bảo vệ và phát triển tư tưởng cách mạng, nhất thiết phải có sách, báo, tạp chí cách mạng và những người "chiến sỹ" tiên phong trên mặt trận tư tưởng.
Điều này vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay và được Đảng ta kế thừa, phát triển trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc đất nước trong tình hình mới.
Cuốn sách Truyện về Hồ Chí Minh gồm 36 câu chuyện, mỗi câu chuyện được kể bởi những nhân vật được cho là từng làm việc, hoạt động cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh hoặc viết nên từ các tư liệu lịch sử phong phú khác nhau.
Cuốn sách được kể bằng văn phong mộc mạc, cuốn hút, dễ hiểu, dễ nhớ; góp phần cung cấp nguồn tài liệu quý, làm sáng tỏ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nói về việc tiếp cận cuốn sách, dịch giả Dương Trung Dũng cho hay việc tiếp cận với bản tiếng Trung là một quá trình lâu dài.
Khi anh đề nghị dịch giả Nguyễn Hải Hoành dịch cuốn sách, ông cũng quyết tâm rất cao dù đã 82 tuổi và đang mang bệnh suy tim.
Bản dịch được thực hiện rất cẩn thận trong gần một năm. Các dịch giả vui mừng vì có một bản sách gốc, bổ sung được các tư liệu mới về Hồ Chí Minh./.
Theo Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+) – 24/10/2023
https://www.vietnamplus.vn/truyen-ve-ho-chi-minh-bo-sung-tu-lieu-quy-ve-lanh-tu-nguyen-ai-quoc/903793.vnp