Chúng ta cần thời gian bao lâu để rác thải nhựa phân hủy? Câu trả lời được đưa ra là túi nhựa cần ít nhất 100 năm, chai nhựa cần ít nhất là 200 năm. Như vậy trong hàng trăm năm đó rác thải nhựa không hề mất đi và hệ lụy gây ra đối với môi trường là không hề nhỏ. Vấn đề cần làm ngay lúc này là trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, chúng ta cần hạn chế tối đa sử dụng sản phẩm nhựa một lần và phải được phân loại, thu gom, xử lý theo quy định.
Không chỉ riêng Vĩnh Phúc, trên phạm vi cả nước, hàng ngày số lượng lớn rác thải nhựa được thải ra ngoài môi trường theo rác thải sinh hoạt đã tác động tiêu cực đến môi trường sống, hệ sinh thái, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của đất nước. Rác thải nhựa là những chế phẩm được làm bằng nhựa polyetylen (PE): ca, cốc, chai, lọ, túi nilon, bát, đĩa, đũa, thìa, ống hút... rất khó phân hủy. Khi lượng lớn rác thải nhựa thải ra ngoài môi trường sẽ tồn tại đến hàng nghìn năm, tác động đến tính chất vật lý của đất, ngăn cản oxy qua đất, ảnh hưởng và cản trở đến sự sinh trưởng của thực vật, sự phát triển của các loài động vật, vi sinh vật... nếu rác thải nhựa là rác thải y tế nếu không xử lý đúng qui định thì còn nguy hại gấp nhiều lần hơn.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng 30 tỷ túi nilon. Điều đáng nói chỉ 27% được các cơ sở, doanh nghiệp tận dụng tái chế rác thải nhựa, còn lại được đốt cháy và thải ra biển. Tính trung bình mỗi gia đình Việt Nam sử dụng 1kg túi nilon/1 tháng, hơn 80% số túi đó đều bị thải bỏ ra ngoài môi trường sau khi dùng 1 lần.
Tại các bãi rác thải sinh hoạt của các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, rác thải nhựa, túi nilon chiếm một số lượng không hề nhỏ. Điều đáng nói, phần lớn rác thải sinh hoạt hiện nay được thực hiện chôn lấp và đốt cháy. Đây chỉ là những giải pháp tạp thời, không đúng theo quy định của Luật bảo vệ môi trường. Sự có mặt của rác thải nhựa đã làm chậm quá trình phân hủy của các loại rác khác và là một trong những nguyên nhân dẫn đến quá tải các bãi rác tại các địa phương hiện nay. Hơn nữa, rác thải nhựa, nhất là túi nilon khi không được thu gom, chôn lấp, xử lý đúng quy định đã phân tán ra môi trường làm tắc nghẽn dòng chảy sông, suối, kênh mương gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường không khí.
Chính sự tiện lợi, giá thành rẻ, sản phẩm nhựa, túi nilon đã trở thành thói quen ưu tiên của người dân. Nhận định chính xác vấn đề trên, trong những năm qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều giải pháp từng bước đổi thói quen này bằng cách tuyên truyền vận động Nhân dân hạn chế dần các sản phẩm nhựa dùng một lần trong mỗi gia đình, thay thế bằng những nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sinh học dễ phân hủy.
Hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đều phối hợp với các sở ngành, đơn vị, các cấp ủy chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông môi trường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho các tổ chức và người dân, đặc biệt là học sinh trong công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Kế hoạch phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường đã cùng với các đơn vị liên quan cấp huyện tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức về rác thải nhựa, nguy cơ ô nhiễm về rác thải nhựa và các giải pháp quản lý phù hợp cho giáo viên, học sinh bậc Tiểu học. Sở dĩ đối tượng ưu tiên hướng tới là học sinh là vì mong muốn từng bước xây dựng lớp thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước có nhận thức đầy đủ, thay đổi hành vi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần bằng việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Cách thức tổ chức ngắn gọn, đi thẳng vào những vấn đề cấp bách hiện nay và nêu rõ vai trò to lớn của các em học sinh trong việc thay đổi thói quen sinh hoạt để bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, ngay sau buổi tập huấn, trên sân trường, rác thải nhựa, túi nilon được các em học sinh tự giác thu nhặt và bỏ vào thùng rác. Quan trọng hơn nữa, các em cũng đã nhận biết rõ về tác hại của các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Trên lớp, trong một số tiết học, giáo viên chủ nhiệm cũng đã lồng ghép tuyên truyền cho học sinh về những tác hại của sản phẩm nhựa dùng một lần và cách xử lý khi có nhu cầu sử dụng.
Nộp lại cho cô giáo chai nhựa, túi nilon khi không sử dụng. Việc làm tuy nhỏ nhưng chắc chẵn các sản phẩm này sẽ được kiểm soát, không trôi nổi ra ngoài môi trường. Qua đây chúng ta cũng có niềm tin vào thế hệ trẻ có nhận thức đầy đủ, ứng xử phù hợp trong việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; vấn đề môi trường theo đó từng bước được cải thiện, chất lượng cuộc sống của chúng ta được nâng cao./.
Lỗ Hiếu