Hội thảo khoa học Vĩnh Phúc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu từ lý luận đến thực tiễn đã giúp cho Vĩnh Phúc tranh thủ được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong quá trình vận hành các Làng văn hóa kiểu mẫu sau khi đã đạt được những thành quả bước đầu là 30 Làng văn hóa kiểu mẫu đã có thiết chế văn hóa, cách thức tổ chức sản xuất, mô hình kinh tế đang có sự chuyển biến rõ nét. Theo các chuyên gia, ngoài sự tác động bằng cơ chế, chính sách, thì Vĩnh Phúc đã tranh thủ được sự vào cuộc đồng hành của các doanh nghiệp trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, đó là tiền đề rất quan trọng.
Thực tế hiện nay cho thấy, các Làng văn hóa kiểu mẫu có rất nhiều sản phẩm đặc trưng như: sản phẩm từ nghề rèn, gốm, mộc và các sản phẩm từ nông nghiệp. Muốn phát triển kinh tế bền vững tại các Làng văn hóa kiểu mẫu thì cần có sự bắt nhịp, khớp nối giữa cung và cầu. Chính doanh nghiệp lại giữ vai trò chủ đạo trong vấn đề đưa các sản phẩm của các Làng văn hóa kiểu mẫu đến được với du khách, người tiêu dùng.
Doanh nghiệp giữ vai trò tạo động lực cho phát triển kinh tế tại các Làng văn hóa kiểu mẫu từ tiêu thụ sản phẩm do người dân làm ra, kết nối du khách đến trải nghiệm tại các Làng cho đến việc hướng dẫn người dân cách làm du lịch; cách tổ chức sản xuất để làm ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng cung ứng ra thị trường. Do vậy, khi Vĩnh Phúc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu thu hút được sự đồng hành của các doanh nghiệp thì đó là nền tảng bền vững trong việc tạo ra nhiều giá trị thiết thực cho các làng văn hóa kiểu mẫu.
Thùy Linh