Dù rất ít người, chỉ khoảng 200 hộ, với hơn 1000 nhân khẩu, song đồng bào Cống ở tỉnh Điện Biên luôn có ý thức giữ gìn các nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình. Một trong số những nét đẹp được bảo tồn khá nguyên vẹn phải kể đến Tết Hoa mào gà (Mền Loóng Phạt Ái).
Vào dịp tháng 10 âm lịch hàng năm, khi mùa màng đã thu hoạch xong, đồng bào Cống ở bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên lại rộn ràng đón Tết hoa mào gà. Đây là Tết cổ truyền của người Cống, nhằm cầu mong cho một năm mới nhiều sức khỏe, mùa màng tốt tươi.
Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp. Trong ngày Tết, phụ nữ Cống sẽ mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, cùng nhau tết hoa mào gà thành những vòng hoa đội đầu đẹp mắt để diện đi chơi Tết, mong ước màu đỏ tươi của hoa sẽ mang đến sự may mắn trong năm mới.
Chị Lò Thị Phưn và anh Chảo Văn Thủy, người dân bản Lả Chà cho biết, hàng năm vào Tết Hoa, chị em chị cùng nhau đi hái hoa quấn vòng hoa để đi chơi các trò chơi dân gian. Tổ chức Tết Hoa để không mất truyền thống của dân tộc mình.
Nghi lễ của Tết hoa mào gà gồm có phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm Lễ cúng chung của bản và lễ cúng riêng ở mỗi gia đình, thực hiện vào khoảng 4 giờ chiều hôm trước và 7 giờ sáng hôm sau. Lễ vật dâng cúng có lợn, gà, vịt, rượu, cá, khoai sọ…
Người chủ trì lễ cúng trong ngày Tết Hoa mào gà thường sẽ là già làng, người có uy tín được bà con trong bản kính trọng và cũng chính là thầy cúng trong phần lễ. Trong phần này sẽ có nghi thức buộc chỉ cổ tay, cầu mong sức khỏe cho trẻ nhỏ. Trong lý này, thầy cúng sẽ chọn một đứa trẻ trong bản cùng giúp thầy thực hiện các nghi lễ. Đứa trẻ được bế ngồi bên mâm lễ, thầy cúng đọc bài khấn dụ hồn trẻ nhỏ về ăn Tết năm mới. Sau lễ cúng chung của bản sẽ là lễ cúng ở các gia đình do người đàn ông chủ nhà thực hiện. Trước đây, Tết hoa mào gà thường được bà con tổ chức từ ba đến bốn ngày, nay rút ngắn chỉ còn hai ngày, một đêm.
Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp.
Ông Lù Văn Chanh, thầy cúng ở bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, Điện Biên cho biết: "Cúng cho các cháu trong mọi gia đình không ốm đau, trau dồi phát triển. Từ nay trở đi ông bà, cha mẹ phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe, năm mới làm ăn phát triển kinh tế, trâu bò lợn gà đầy nhà, không bị dịch bệnh, phát triển để cho con cháu yên tâm".
Sau phần lễ, tối đến, cả bản sẽ tập trung cùng nhau vui hội với những tiếng hát, điệu xòe, cùng nhảy múa, hát ca. Sáng ngày hôm sau, bà con sẽ lại cùng tham gia các trò chơi dân gian dân tộc như kéo co, đi cà kheo, cù quay... Các trò chơi diễn ra sôi nổi trong sự cổ vũ nhiệt tình của bà con dân bản.
Theo chủ tịch UBND xã Pa Tần Lò Văn Thân, người Cống ở Pa Tần sống tập trung tại bản Lả Chà với 82 hộ, hơn 400 nhân khẩu. Sự quan tâm của các cấp, ngành, cùng nhận thức của bà con ngày càng được nâng cao, nên các hủ tục đã dần được xoá bỏ, bà con đoàn kết thi đua phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo bền vững.
"Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã giúp đỡ, quan tâm dân bản giữ gìn bản sắc dân tộc như trang phục, Tết Hoa mào gà của người Cống ở Lả Chà. Bên cạnh đó, cấp ủy chính quyền địa phương đã chỉ đạo ban quản trị bản giữ vững được nề nếp văn hóa dân tộc để góp phần vào chương trình phát triển văn hóa của toàn xã" - Chủ tịch UBND xã Pa Tần Lò Văn Thân chia sẻ.
Đời sống tinh thần của người Cống ở Điện Biên khá phong phú với nhiều nghi lễ. Trong đó, Tết Hoa mào gà là một trong những nghi lễ độc đáo và quan trọng nhất. Tết này hiện cũng đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Theo Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc - 02/11/2023
https://vov.vn/van-hoa/doc-dao-tet-hoa-mao-ga-cua-nguoi-cong-dien-bien-post1056488.vov